Lời sự Sống

Vâng Lời Đức Chúa Trời (PDF) PDF



Vâng Lời Đức Chúa Trời



Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét về chủ đề vâng lời. Để bắt đầu, chúng ta sẽ xem trong Rô-ma 6:15-18.

Rô-ma 6:15-18
“Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy! Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao? Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình! Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi”

Theo đoạn Kinh Thánh trên, người nào vâng phục người khác là nô lệ của người đó, có hai khả năng xảy ra: một là vâng phục tội lỗi, trở thành nô lệ của tội lỗi, hoặc hai là, vâng phục Đức Chúa Trời và sự dạy dỗ của Ngài, trở thành nô lệ của sự công bình. Nói cách khác, thật khó cho một ai đó hết lòng phục sự Đức Chúa Trời nếu tấm lòng người đó không vâng phục Đức Chúa Trời. Đây cũng không phải là vấn đề bạn tích cực hoạt động tôn giáo hay không. Điều quan trọng ở đây đó là chúng ta VÂNG LỜI CHÚA như thế nào, vì chính sự vâng lời và người mà chúng ta vâng lời quyết định thực tế chúng ta phục vụ ai.

Như Gia-cơ 4:7-8 nói rằng:

Gia-cơ 4:7-8
“ Vậy HÃY PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”

Chúng ta đến gần Đức Chúa Trời để Ngài đến gần với chúng ta. Chúng ta không thể phục sự Ngài ở đằng xa, và không biết Ngài. Chúng ta chỉ phục sự người mà chúng ta vâng lời và trao phó chính mình chúng ta cho Ngài. Như trong Phi-líp 2:5-11:

Phi-líp 2:5-11
“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, VÂNG PHỤC CHO ĐẾN CHẾT, THẬM CHÍ CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. ”

Chúng ta nên có tâm tình giống như Chúa Giê-xu Christ đã có. Tâm tình này là gì? ĐÓ LÀ TÂM TÌNH VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI, TÂM TÌNH VÂNG PHỤC KHÔNG THỐI THÁC THẬM CHÍ CHO ĐẾN CHẾT TRÊN THẬP TỰ GIÁ. Đó là tâm tình trong vườn Ghê-sê-ma-nê:

Ma-thi-ơ 26:36-39, 42
“Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta. Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha. ... Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên.”

Tâm tình của Chúa Giê-xu, tâm tình vâng phục Đức Chúa Trời đó là “SONG KHÔNG THEO Ý MUỐN CON, MÀ THEO Ý MUỐN CHA.” Đây là tâm tình mà Lời Chúa muốn chúng ta có. Không theo ý muốn chúng ta, nhưng theo ý Đức Chúa Trời. Chúng ta dễ dàng vâng lời khi mọi thứ diễn ra theo ý chúng ta muốn. Khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những gì lòng chúng ta ao ước, thì chúng ta nhận lãnh chúng với sự vui mừng lớn. Tuy nhiên, chúng ta thường làm gì khi điều này không xảy ra? Chúng ta phản ứng thế nào khi những kế hoạch của Chúa dường như đi ngược với kế hoạch của chúng ta? Tại đây có sự khác biệt giữa vâng lời và không vâng lời: trong sự vui mừng, cả hai trường hợp phản ứng giống nhau. Chính sự không vui mừng khiến cho hạng người thứ hai trong câu chuyện gieo giống vấp ngã. Trái lại, như Chúa Giê-xu nói, “họ tiếp nhận Lời Chúa với SỰ VUI MỪNG.” (Lu-ca 8:13). Tuy nhiên, niềm vui này không kéo dài. Trong cơn đại nạn thứ nhất, họ đã sa ngã (Ma-thi-ơ 13:21, Lu-ca 8:13). Khi lựa chọn của Chúa không phải là điều mà con người thích, người không vâng lời sẽ chạy trốn, trong khi đó người vâng lời sẽ ở lại, nói rằng: “nếu có thể được . . . tuy nhiên, không theo ý con nhưng theo ý Cha.”

1. Sự vâng lời Đức Chúa Trời tốt hơn của tế lễ

Trong 1 Sa-mu-ên có một câu chuyện nổi tiếng: câu chuyện của sự lên ngôi và thoái vị của vua Sau-lơ trong vương quốc Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ được Đức Chúa Trời chọn làm vị vua đầu tiên cho dân Y-sơ-ra-ên. Lúc ban đầu, vua là người khiêm nhường. Thực tế, trong ngày vua lên ngôi, ông đã đi trốn dân sự (1 Sa-mu-ên 10:22)! Tuy nhiên, sự khiêm nhu này không kéo dài. Rất mau chóng nó đã chuyển sang kiêu ngạo, và dưới sự lãnh đạo của dân chúng, ông vội vã hành động thay vì thuận phục sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Trong 1 Sa-mu-ên 13 chúng ta thấy sự nổi loạn thứ nhất của ông: Sau-lơ và dân sự chờ đợi Sa-mu-ên để dâng của lễ, trong khi quân Phi-li-tin đã sẵn sàng giao chiến ở phía bên kia. Nhưng Sa-mu-ên đến trễ. Thấy vậy, Sau-lơ đã làm điều ông không được phép làm: ông tự ý dâng của lễ. Người vâng lời sẽ chờ đợi Đức Chúa Trời và giữ sự dạy dỗ của Ngài, dù giá phải trả là thế nào. Ngược lại, người không vâng lời là vâng lời khi mọi thứ còn diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh thay đổi, người đó sẽ hành động theo ý riêng mình. Ông nghĩ rằng ông đã chờ đợi rất lâu và cuối ngày rồi nên ông phải làm cái gì đó. Sa-mu-ên đến ngay sau khi Sau-lơ dâng của lễ xong. Tuy nhiên, Sa-mu-ên không đem đến tin tức tốt đẹp.

I Sa-mu-ên 13:13-14
“Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: Ngươi thật có làm ngu dại, KHÔNG VÂNG THEO mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho. Ví bằng có vâng theo, thì Đức Giê-hô-va ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi Y-sơ-ra-ên; nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền lâu. Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va”

Có lẽ đây là cuộc thử thách quan trọng cho Sau-lơ. Nếu ông vượt qua, nếu ông vâng lời Chúa và mạng lệnh của Ngài, thì vương quốc của ông sẽ được thiết lập. Nếu ông không vâng lời, thì vương quốc sẽ bị mất. Như Sa-mu-ên nói với ông: “Đức Giê-hô-va ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi Y-sơ-ra-ên; nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền lâu.” Rõ ràng, Sau-lơ không vượt qua được thử thách vâng lời Đức Chúa Trời. Khi ông thấy Sa-mu-ên không đến, ông liền bỏ qua mạng lệnh của Chúa mà làm theo ý mình.

Về sau, chúng ta thấy ông lập lại lỗi lầm đó. 1 Sa-mu-ên 15:1-3 nói rằng:

1 Sa-mu-ên 15:1-3
“ Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: Đức Giê-hô-va đã sai ta xức dầu cho ngươi, lập làm vua dân Y-sơ-ra-ên của Ngài. Vậy bây giờ, hãy nghe lời phán của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Ta nhớ lại điều A-ma-léc làm cho Y-sơ-ra-ên, ngăn cản đường lúc nó ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vậy, hãy đi đánh dân A-ma-léc và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó. Ngươi sẽ không thương xót chúng nó, phải giết người nam và nữ, con trẻ và con bú, bò và chiên, lạc đà và lừa.”

Sau-lơ được truyền lệnh phải hủy diệt tất cả dân A-ma-léc. Câu 7-9 kể lại những gì ông đã làm:

I Sa-mu-ên 15:7-9
“Sau-lơ đánh A-ma-léc từ Ha-vi-la cho đến Su-rơ, đối ngang xứ Ê-díp-tô. Người bắt sống A-ga, vua của dân A-ma-léc, rồi lấy gươm diệt hết thảy dân sự. Nhưng Sau-lơ và dân chúng dong thứ A-ga, chẳng giết những con tốt hơn hết trong bầy bò và chiên, các thú về lứa đẻ thứ nhì, chiên con, và mọi vật tốt nhất. Chúng chẳng muốn diệt những vật đó, chỉ diệt hết những vật chi xấu và không giá trị”

Mặc dầu Sau-lơ đã nghe rõ ràng lệnh truyền từ Đức Giê-hô-va rằng ông phải hủy diệt tất cả dân A-ma-léc, nhưng ông không làm theo mạng lệnh, hoặc nói chính xác hơn, ông chỉ làm theo ở mức độ ông và dân sự THÍCH. Vì vậy, họ chỉ hủy diệt những gì họ THÍCH hủy diệt, còn giữ lại những gì họ KHÔNG THÍCH diệt. Tuy nhiên, đây không phải là vâng lời. Vâng lời Đức Chúa Trời không có nghĩa là làm theo ý muốn Chúa một phần, chỉ ở chừng mực nào đó. Nhưng đó là làm theo tất cả những gì Đức Chúa Trời ra lệnh bạn phải làm đầy đủ và chính xác. Như Giê-rê-mi 47:10 nói rằng:

Giê-rê-mi 48:10
“Đáng rủa thay là kẻ làm việc Đức Giê-hô-va cách dối giả!”

Vâng lời Đức Chúa Trời đó là làm những gì Ngài truyền dạy bạn phải làm cho dù qua Lời Chúa bằng chữ viết hoặc trong trường hợp của Sau-lơ bằng sự mặc khải. Trong chừng mực nào đó mà chúng ta làm những điều Chúa không dạy bảo, đó là không vâng lời cho dù chúng ta làm trong danh của Đức Giê-hô-va. Chúa không muốn chúng ta là những người làm công bận rộn làm việc riêng mình cho Chúa. Thay vào đó Ngài muốn chúng ta là những người làm công VÂNG LỜI, làm theo CHÍNH XÁC những gì Ngài truyền dặn. Sau-lơ và dân sự của ông đã làm công việc Chúa cách vô ý thức. Theo sự giải thích của Sau-lơ đó là họ không có ý xấu. Như ông nói: “Nhưng dân sự có chọn trong của cướp, chiên và bò, là vật tốt nhất về của đáng tận diệt, đặng dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông tại Ghinh-ganh.” (1 Sa-mu-ên 15:21). Dân sự muốn dâng của lễ, NHƯNG HỌ KHÔNG MUỐN VÂNG LỜI. Như Sa-mu-ên nói:

I Sa-mu-ên 15:22-23
“Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân BẰNG SỰ VÂNG THEO LỜI PHÁN CỦA NGÀI Ư? VẢ, SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ; SỰ NGHE THEO TỐT HƠN MỠ CHIÊN ĐỰC; SỰ BỘI NGHỊCH CŨNG ĐÁNG TỘI BẰNG SỰ TÀ THUẬT; SỰ CỐ CHẤP GIỐNG NHƯ TỘI TRỌNG CÚNG LẠY HÌNH TƯỢNG. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua. ”

Vấn đề không phải bạn dâng bao nhiêu của lễ lên cho Chúa. Vấn đề đó là bạn VÂNG LỜI Ngài như thế nào. Của lễ đẹp lòng Chúa chỉ là những của lễ mà Chúa truyền dặn. Sự phục vụ đích thực là SỰ PHỤC VỤ MÀ CHÚA TRAO PHÓ. Mọi sự khác, cho dù nếu điều đó thực hiện trong danh của Chúa, vẫn là sự không vâng lời, hành động theo sự điều khiển của bản tính cũ. Như Chúa Giê-xu nói:

Giăng 7:16-18
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến. Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta. Kẻ nói theo ý mình, thì tìm vinh hiển riêng mình; nhưng kẻ tìm vinh hiển của Đấng đã sai mình đến, mới là chân thật, và chắc trong mình không có điều gì không công bình đâu. ”

Sau-lơ tìm cách làm hài lòng con người. Ông quan tâm đến họ và ý kiến của họ hơn là Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài. Về sau khi ông thừa nhận lỗi lầm, điều ông sợ không phải là mất đi mối liên hệ với Đức Chúa Trời nhưng là mất danh dự với dân sự: “Sau-lơ đáp rằng: “Tôi có tội; song xin hãy tôn trọng tôi trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, và trước mặt Y-sơ-ra-ên; xin ông trở lại cùng tôi..” Đavít, người kế vị vua Sau-lơ, ông cũng phạm tội tà dâm và sau đó giết người. Tuy nhiên, khi Na-than cáo trách ông (2 Sa-mu-ên 12:1-14), điều ông lo lắng là gì, đó không phải là ngôi nước nhưng mối liên hệ của ông với Chúa (Thi Thiên 51). Đó là lý do tại sao Đa-vít tìm kiếm sự phục hồi mối tương giao với Chúa, ông được tha thứ, trong khi đó Sau-lơ tìm kiếm sự phục ngôi nước, đã bị từ chối.

2. Gương của Áp-ra-ham

Ngược lại với Sau-lơ, Áp-ra-ham là một tấm gương khác. Có lẽ tất cả chúng ta đã biết về câu chuyện của Áp-ra-ham và Y-sác. Y-sác là con trai duy nhất của Áp-ra-ham và Sa-rah. Y-sác là đứa con mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho, và là người con mà Áp-ra-ham đã chờ đợi trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, một ngày nọ, Đức Chúa Trời truyền dặn Áp-ra-ham đem Y-sác dâng làm của lễ thiêu:

Sáng Thế Ký 22:1-2
“Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho. ”

Đức Chúa Trời biết rất rõ Áp-ra-ham yêu Y-sác nhiều thế nào. Ngài biết rằng đó là “đứa con trai duy nhất mà ông yêu mến.” Dù sao, chính Đức Chúa Trời là Đấng ban Y-sác cho ông. Tuy nhiên, Áp-ra-ham có yêu Y-sác, điều phước hạnh mà Chúa ban cho, hơn là yêu chính Đức Chúa Trời không? Nếu phải chọn một trong hai, ông thật sự sẽ chọn ai? Liệu ông sẽ đầu phục Chúa cho dù điều này có nghĩa rằng ông sẽ phải trả một giá rất đắt hoặc như Sau-lơ ông sẽ chống lại để làm theo ý riêng của mình? Trở lại với câu hỏi dành cho chúng ta: Chúng ta thật sự theo Đức Chúa Trời bởi vì chúng ta muốn biết về Ngài và có mối tương giao với Ngài hay là chúng ta theo Chúa chỉ vì sự phước hạnh Chúa ban, vì “Y-sác” mà Ngài đã ban cho chúng ta? Thật sự, chúng ta sẽ làm gì nếu ở trong trường hợp như của Áp-ra-ham, chúng ta được gọi để dâng lên cho Chúa điều phước hạnh mà Chúa đã ban cho chúng ta hoặc bất cứ điều gì mà Ngài đã ban cho? Chúng ta sẽ làm gì? Mặc dầu có quá nhiều phước hạnh không thể đếm hết, nhưng dĩ nhiên tất cả những điều đó không thể là trọng tâm của mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài. Thay vào đó, sự tập trung phải là nhận biết ĐỨC CHÚA TRỜI, VÀ CON TRAI TUYỆT VỜI CỦA NGÀI, LÀ CHÚA GIÊ-XU CHRIST. Như Phao-lô nói:

Phi-líp 3:8-15
“ Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ … cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.”

TẤ CẢ, thậm chí là những phước hạnh to lớn nhất trên thế gian cũng như rơm rác khi so sánh với sự NHẬN BIẾT CHÚA LÀ QUÝ HƠN HẾT. Trở lại với Áp-ra-ham, chúng ta hãy xem cuối cùng ông đã làm gì:

Sáng Thế Ký 22:3-10
“Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Qua đến ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa, thì nói cùng hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình; rồi người cầm lửa và dao trong tay, và cả hai cha con đồng đi. Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? Áp-ra-ham rằng: Con ơi! chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu; rồi cả hai cha con cứ đồng đi. Họ đến chốn Đức Chúa Trời đã phán dạy; tại đó, Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên, trói Y-sác con mình lại, để lên đống củi trên bàn thờ. Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình.”

Áp-ra-ham làm theo y như lời Đức Giê-hô-va phán dặn. Dĩ nhiên đây không phải là điều hài lòng nhất trong cuộc đời ông. Ông, cũng như bao người khác trong Kinh Thánh, không phải là người máy có thể làm theo ý muốn Chúa một cách máy móc. Thật sự, họ cũng giống như chúng ta, có ý chí tự do bởi ý muốn mình chọn lựa đầu phục chính mình cho Chúa. Sự vâng lời của họ không theo kiểu người máy nhưng “TỪ TẤM LÒNG.” Đây là sự vâng lời duy nhất mà Lời Chúa muốn dạy dỗ. Đức Chúa Trời không muốn những người máy, người tài có thể làm ngay mọi thứ Ngài phán bảo, mà không suy nghĩ. Thay vào đó, Ngài muốn dân sự Ngài là những người YÊU MẾN CHÚA VỚI HẾT CẢ TẤM LÒNG, LINH HỒN, TÂM TRÍ VÀ SỨC LỰC (Mác 12:30). Ngài muốn những con người có ý chí tự do, có thể quyết định “TỪ TẤM LÒNG” đầu phục Chúa. Trở lại với Áp-ra-ham, ông làm theo Lời Chúa dù cho thực tế dường như phải mất chính con mình. Sau đó, khi ông đã đến mức nguy hiểm, thì Đức Chúa Trời can thiệp vào:

Sáng Thế Ký 22: 11-12, 15-18
“Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi . . . .Thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu Áp-ra-ham lần thứ nhì mà rằng: Đức Giê-hô-va phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi, thì ta lấy chính mình ta mà thề rằng: sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. BỞI VÌ NGƯƠI ĐÃ VÂNG THEO LỜI DẶN TA, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”

Mục đích của sự thử thách này đó là để chứng minh Áp-ra-ham có vâng lời Đức Chúa Trời hay không, thậm chí ngay cả phải dâng chính điều phước hạnh mình có làm của lễ thiêu. Cả Sau-lơ và Áp-ra-ham đều được Đức Chúa Trời ban phước. Người thứ nhất được ban cho làm vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Người thứ hai có được lời hứa là nguồn phước cho mọi dân tộc. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa họ. Sự khác biệt đó là người thứ nhất sau khi nhận lãnh ơn phước thì chống cự. Điều này dẫn đến sự không vâng lời và sa ngã. Còn người kia, sau khi bị người Ban phước thử thách, đã được lại con mình cùng lời hứa ban phước cho mình và cả dòng dõi.

3. Kết Luận

Chúng ta đã học qua chủ đề vâng lời Đức Chúa Trời ở trên. Dù cho bài viết này không thể nói hết mọi điều, tôi hy vọng nó bày tỏ rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề. Như sách Mi-chê 6:6-8 có chép:

Mi-chê 6:6-8
“Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao? HỠI NGƯỜI! NGÀI ĐÃ TỎ CHO NGƯƠI ĐIỀU GÌ LÀ THIỆN; CÁI ĐIỀU MÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÒI NGƯƠI HÁ CHẲNG PHẢI LÀ LÀM SỰ CÔNG BÌNH, ƯA SỰ NHÂN TỪ VÀ BƯỚC ĐI CÁCH KHIÊM NHƯỜNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI SAO?”

Tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm đó là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời. Trở nên khiêm nhường dưới cánh tay của Đấng Toàn Năng để Ngài có thể nhấc chúng ta lên trong thời điểm của Ngài (1 Phi-e-rơ 5:6). Sự không vâng lời, cho dù trong hình thức làm những điều Chúa phán dạy hay không phán dạy, là hành động tách rời khỏi Đức Chúa Trời. Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta làm gì, hay mục đích là gì. Vấn đề đó là điều chúng ta làm có phát xuất từ sự vâng lời Đức Chúa Trời, như của lễ thiêu của Áp-ra-ham, hay sự không vâng lời, như của lễ thiêu của Sau-lơ mà ông đã làm.

Anastasios Kioulachoglou