Lời sự Sống

Kết Trái: đời sống Cơ Đốc có nghĩa gì (PDF) PDF



Kết Trái: đời sống Cơ Đốc có nghĩa gì



Đời sống Cơ Đốc có nghĩa gì? Đó là tất cả những gì của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Con Ngài là Giê-xu Christ và sanh ra bông trái. Trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giêxu dạy rằng:

Giăng 15:16
“Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi.”

Phao-lô cũng nói trong Rô-ma 7:4:
“Hỡi anh em ta, anh em cũng như vậy, bởi thân thể của Đấng Christ, anh em đã chết về luật pháp, đặng thuộc về người khác, tức là người đã từ kẻ chết sống lại, hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời.”

Trong câu chuyện về người gieo giống Chúa Giêxu nói đến bốn hạng người nghe Phúc Âm. Hạng người thứ hai và thứ ba là những người không kết trái, trong khi đó hạng người cuối cùng, là người được khen ngợi, là người “nghe đạo và hiểu; người ấy được kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.” (Ma-thi-ơ 13:23).

Vì vậy, ý định của Đức Chúa Trời cho Cơ Đốc Nhân đó là không chỉ tin mà không thay đổi. Vẫn còn là loại cây và sanh ra những trái mà họ có trước đây. Sự kết trái là điều mà Đức Chúa Trời quan tâm. Tôi muốn lập lại một điều: đó là ý định của Đức Chúa Trời không muốn bạn sống cuộc đời buông trôi. Đức Chúa Trời tạo dựng nên bạn là một tạo vật hoàn hảo, Ngài ban tặng cho BẠN những tài năng, đúng chính bạn, một cách đặc biệt, và Ngài muốn bạn làm một điều: đó là đi ra và kết quả. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này là như thế nào trong phần sau. Đức Chúa Trời ban tặng cho mỗi đứa con của Ngài những tài năng, từ người nhỏ đến người lớn tuổi, từ nghèo đến giàu, từ mù chữ đến học thức, Ngài ban cho mỗi người cách khác nhau và mong rằng họ sẽ kết nhiều quả. Đây là những gì Chúa đã nói trong Giăng 15:

Giăng 15:8
“ Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.”

Giăng 15:1-2
“Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho…. và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.”

Cha vui mừng khi thấy con cái sanh ra bông trái. Hãy xem Ngài chăm sóc từng nhánh, tỉa sửa những nhánh nào có trái để được sai trái hơn! Người cha không chỉ muốn có những nhánh nho… Người muốn có nhiều nhánh TRĨU QUẢ, những nhánh sẽ đem lại nhiều trái nhất có thể. Ngày nay nhiều Cơ Đốc Nhân ngồi không bên lề, chờ đợi người khác “trình diễn” cho họ; một cách chuyên nghiệp, như thể họ không … chuyên nghiệp. Nhưng Phierơ và những người khác, hầu hết là các ngư dân – của thế kỷ thứ nhất không phải là “chuyên nghiệp” theo nghĩa này. Họ không tốt nghiệp từ viện thần học hoặc họ cần phải học! Một văn bằng mà họ chỉ có đó là câu cá! Có nhiều người khác nữa dù họ đã tin, nhưng không có sự thay đổi nào trong đời sống họ. Đời sống Cơ Đốc Nhân không có sự thay đổi, không đơm hoa kết trái là một nghịch lý. Tôi không có ý muốn nói là những Cơ Đốc Nhân chân thật với lòng yêu mến Chúa và Lời của Ngài là không phạm lỗi lầm. Họ phạm tội! Nhưng Cơ Đốc Nhân yêu mến Chúa sẽ từ chối tiếng gọi của đám đông, là những người nói rằng “hãy theo dòng chảy …bạn đi nhà thờ ngày Chúa Nhật đủ rồi, ngồi trên băng ghế, hát những bài hát và nghe bài giảng, rồi trở về và quên hết những gì đã nghe cho đến Chúa Nhật tiếp theo.” Cơ Đốc Nhân yêu mến Chúa không thỏa hiệp. Họ không chấp nhận sự yếu kém. Họ trông đợi nơi Đức Chúa Trời và mong muốn lớn lên trong Ngài. Họ mong ước càng đến gần hơn với Đức Chúa Trời và Con Ngài. Họ muốn bày tỏ Đấng Christ trong đời sống họ nhiều nhất có thể. Cơ Đốc Nhân yêu mến Chúa mong muốn kết trái và có khải tượng vì Đấng Christ. Và tin mừng đó là Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành một trong số họ. Ngài muốn bạn trở thành MỘT NGƯỜI YÊU MẾN CHÚA, hay nói cách khác, một Cơ Đốc Nhân với lòng nhiệt thành cho Đức Chúa Trời; một Cơ Đốc Nhân nóng cháy, chứ không phải là người hâm hẩm (Khải Huyền 3:15). Hãy trở thành một nhánh trĩu đầy quả, đơm hoa và kết trái nhiều nhất. Đó là ý nghĩa của đời sống Cơ Đốc Nhân.

Kết Trái: Trái gì?

Tôi muốn nói một cách đơn giản về trái ở đây đó là một đời sống thay đổi, một đời sống có Đấng Christ làm chủ, một đời sống mà chúng ta coi mình như đã chết để Đấng Christ có thể sống qua chúng ta (Galati 2:19-20); một đời sống tìm cách làm đẹp lòng Chúa hơn là chính mình hoặc người khác. Một đời sống đặt Đức Chúa Trời làm trọng tâm và lên hàng đầu. Chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì về điều này:

Galati 5:22-25
“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó. Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy.”

Theo Thánh Linh ở đây có nghĩa là một con người mới có Đấng Christ ngự ở trong. Sống trong một con người mới chúng ta sản sanh những bông trái nói trên, đó là đặc tính của một con người mới, mà Đấng Christ có. Và trong Êphêsô 2:10, chúng ta thấy:

Êphêsô 2:10
“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

Đức Chúa Trời đã sắm sẵn những việc tốt lành cho chúng ta làm theo; Ngài ban cho mỗi người trong chúng ta khả năng đặc biệt, giống như một cái cây được trồng và định sẵn phải kết trái. Điều chúng ta phải làm đó là bước theo những gì mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Làm theo những điều đó sẽ dẫn đến làm vui lòng Cha và sanh ra bông trái. Cũng như 1 Phierơ 4:7-11 nói rằng:

1 Phierơ 4: 7-11
“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; ‘vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi’. Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men. ”

Có nhiều điều khác nhau mà phân đoạn này hướng dẫn chúng ta “phải làm”. Hãy tỉnh thức trong sự cầu nguyện. Có lòng yêu thương nhau sốt sắng. Tiếp đãi nhau mà không lằm bằm. Ở đây cũng nói rằng mỗi chúng ta nhận lãnh ơn từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có ban ơn cách đặc biệt trên mỗi con cái của Ngài. Như mỗi phần trong cơ thể của chúng ta là đặc biệt với mỗi chức năng khác nhau, cũng vậy mỗi người trong chúng ta: được Đức Chúa Trời đặt để trong thân thể của Đấng Christ, là hội thánh, và chúng ta được ban cho những ân tứ để thực hiện đúng chức năng của mình tại đây (1 Côrinhtô 12:12-27). Phierơ muốn chúng ta một điều đơn giản đó: thực hiện đúng chức năng! Đức Chúa Trời không ban ơn chỉ trên một số cá nhân nào đó; Ngài không chỉ ban ơn trên mục sư hoặc linh mục của bạn mà thôi. Phân đoạn này không chỉ về một nhóm người cụ thể nào đó trong cộng đồng Cơ Đốc. Ngược lại, nó chỉ về tất cả các Cơ Đốc Nhân, kể cả bạn! Cũng hãy xem, Lời Chúa nói rằng “hãy chăm sóc lẫn nhau.” Ân tứ này không phải ban cho những người nằm ngủ! Nó được ban cho để chăm sóc lẫn nhau. Tôi chăm sóc bạn, bạn chăm sóc tôi. Ngày nay chúng ta dùng từ “chăm sóc,” để mô tả một ai đó với vai trò tôn giáo. Vì vậy mục sư hoặc linh mục trong cộng đồng địa phương của tín hữu gọi là “người chăn bầy”. Có phải chỉ có mục sư mới là người chăm sóc, trong khi đó tất cả những người khác không phải mà mục sư hoặc linh mục hoặc là những người chức sắc nói chung là người cần được chăm sóc, mà không bao giờ chăm sóc người khác? Ý tưởng này vô tình hay cố ý dường như ẩn chứa trong tâm trí của nhiều người. Tin tức tốt đẹp ở đây đó là ý tưởng này không phải bắt nguồn từ Đức Chúa Trời cũng không được Kinh Thánh ủng hộ! Điều mà Kinh Thánh muốn dạy dỗ đó là: mỗi người trong chúng ta được Đức Chúa Trời ban ơn cách khác nhau và được đặt để ở mỗi vị trí khác nhau trong thân thể của Đấng Christ. Không có chuyện tầng lớp giáo phẩm hay tín đồ trong Kinh Thánh. Như Kinh Thánh chép về chúng ta, tất cả chúng ta là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.

1 Phi-e-rơ 2:9
“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài;”

1 Phi-e-rơ 2:5
“và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời.”

Mỗi người trong chúng ta được trông đợi phải thể hiện ân tứ mà Chúa ban cho, để chăm sóc lẫn nhau. Những gì mà 1 Phierơ 4:7-11 nói với chúng ta đó là hãy trở nên bận rộn với những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã trao phó. Tập trung vào ân tứ Chúa ban và thể hiện nó. Không phải vấn đề là liệu bạn có “mục vụ” nào hay không, nhưng bởi vì bạn đã có nó! Đây là một thực tế! và những gì Phierơ nói đó là, hãy trở nên bận rộn, hãy bận rộn chăm sóc nhau theo ân tứ Chúa ban.

Nhưng để tránh sự hiểu lầm: trở nên bận rộn thể hiện ân tứ Chúa ban là phải ở trong mối tương giao với Chúa Giêxu Christ. Như Philíp 1:9-11 nói rằng:

Philíp 1:9-11
“Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời.

Những trái công bình “đến bởi Đức Chúa Giêxu” không phải bởi năng lực của chúng ta. Thêm vào đó, kết quả của những công việc đó là làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời. Như Chúa Giê-xu giải thích trong Giăng 15, Ngài là cây nho và chúng ta là nhánh:

Giăng 15:4-5, 8
“Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được….” “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.”

Sanh ra nhiều trái, ví như chúng ta đang tháp vào cây Nho. Chúng ta không phải là cây Nho. Đấng Christ là cây Nho. Chúng ta là nhánh nho. Nhánh nho không thể nào ra trái nếu nó không dính liền vào cây Nho. Cũng như vậy: chính sự liên kết của chúng ta với Đấng Christ có thể khiến chúng ta, những nhánh cành, đơm hoa kết trái. Những nhánh cây trong trường hợp này chỉ về cách mà cây nho có thể sanh ra bông trái. Khi chúng ta sống trong Đấng Christ, Ngài sẽ bày tỏ qua chúng ta; cây Nho sẽ sống qua chúng ta và sẽ sanh bông trái. Chăm sóc, giúp đỡ và làm những việc tốt lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta đòi hỏi một mối tương giao sâu đậm với Đức Chúa Trời, là Đấng mà chúng ta muốn làm Ngài vui lòng. Trọng tâm ở đây không phải là những công việc nhưng là ở trong Đấng Christ và qua sự gần gũi tương giao của chúng ta với Ngài, khi chúng ta ở trong Đấng Christ, “bởi Đức Chúa Giêxu Christ” như Philíp nói, được đầy trái công bình.

Bàn luận thêm một chút nữa trong vấn đề này, Đấng Christ nói về những tiên tri giả và Ngài nói rằng chúng ta sẽ biết họ qua những trái của nó.

Mathiơ 7:15-20
“Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt. Hễ cây nào chẳng sanh trái tốt, thì phải đốn mà chụm đi. Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”

Lời Chúa nói về các tiên tri giả (Mathiơ 7:15), christ giả (Mathiơ 24:24), sứ đồ giả (2 Côrinhtô 11:13), anh em giả (Galiti 2:4, 2 Côrinhtô 11:20), thầy giả (2 Phierơ 2:1), người làm công gian dối (2 Côrinhtô 11:13). Đây là một số điều để nhận biết người khác và bông trái của họ. Những trái tốt chỉ có thể sanh ra “bởi Chúa Giêxu Christ.” Bất kỳ những cây nào khác, mặc dù họ có nói về Đức Chúa Trời hoặc thậm chí về Đấng Christ, nhưng chỉ ra những trái giả.

Vì vậy, tôi muốn khích lệ bạn, người anh chị em của tôi hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời hết lòng; hãy hết lòng theo đuổi để phát triển trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống và trở nên bận rộn trong tất cả những gì mà Ngài đã sắm sẵn cho bạn. Sở dĩ gọi trái thánh linh là vì cây là Đức Thánh Linh, với bản chất mới, có Đấng Christ ở trong. Hãy ở trong Đấng Christ, vì người nào ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong người, mới có thể sanh ra một điều duy nhất: đó là kết nhiều quả!

Kết Trái: tỉa sửa

Tôi không biết nhiều về việc làm vườn, nhưng tôi có biết khi còn đi học: đó là để giúp cho cây kết trái thật nhiều, nó cần phải được liên tục tỉa sửa. Tuy nhiên, đây không phải là một định nghĩa đầy đủ. Kiểm tra trên Internet tôi thấy định nghĩa từ back khoa Wikipedia (xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Pruning):

“Tỉa sửa cây xanh và làm vườn là thói quen loại bỏ những phần bệnh tật, không hiệu quả, hoặc những phần không mong muốn từ cây xanh. Mục đích của việc tỉa sửa đó là hình thành cây xanh bằng cách kiểm soát hoặc định hướng phát triển thực vật, để duy trì sức khỏe của cây trồng, hoặc gia tăng sản lượng hoặc chất lượng hoa quả. Tỉa sửa cây trồng hợp lý là một kỹ năng và cũng là một nghệ thuật, vì nếu tỉa sửa không đúng cây trồng có thể sẽ bị bệnh tật hoặc phát triển không theo ý muốn.”

Tất cả cây trồng đều cần tỉa sửa. Mỗi cây đều cần người trồng tỉa sửa và định hướng phát triển cho nó theo ý muốn; người đó sẽ chăm sóc sức khỏe của nó, sẽ loại bỏ đi những phần dịch bệnh và làm sạch để nó sai trái hơn. Cũng như vậy đối với chúng ta là những nhánh của cây Nho là Chúa Giêxu Christ. Chúng ta cũng cần sự tỉa sửa và đoán xem: chúng ta cũng có người trồng nho chăm sóc cho nó!

Giăng 15 nói rằng:

Giăng 15:1-2
Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.”

Chính Đức Chúa Cha là Đấng sẽ tỉa sửa. Hãy nhớ rằng, việc tỉa sửa là điều cần thiết, là điều bắt buộc! Chúng ta không thể lớn lên mà không có nó! Điều tuyệt vời đó là chúng ta có người sẽ làm điều đó: là Cha của chúng ta. Ngài chăm sóc chúng ta như một nông dân tốt lành và cẩn thận, và Ngài can thiệp, định hướng sự phát triển của chúng ta, loại bỏ những mầm bệnh và làm sạch chúng để chúng ta có thể kết nhiều quả! Điều này không tuyệt vời sao?!

Ở trong Đấng Christ sẽ kết trái, nhưng kết nhiều trái hơn, sai trái nhất, là công việc của Đức Chúa Cha, bằng cách tỉa sửa chúng ta. Công việc của chúng ta đó là cứ ở trong cây Nho và chính Đức Chúa Cha sẽ có trách nhiệm chăm sóc bằng cách tỉa sửa những thứ cần thiết để gia tăng năng suất của chúng ta.

Tôi tin rằng Hêbơrơ 12:11 cũng nói cùng một vấn đề nhưng bằng những ngôn từ khác. Ở đây nói rằng:

Hêbơrơ 12:11
“Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.”

Tại đây tác giả nói về sự sửa phạt và ông nói rằng, không có sự sửa phạt nào là vui mừng cho hoàn cảnh hiện tại. Ngược lại nó rất đau đớn! Tôi tin rằng điều này cũng giống như bị tỉa sửa. Khi người nông dân tỉa cành ông ta phải cắt những nhánh nhỏ từ thân cây. Ông ta phải cắt bỏ những phần bệnh tật, là những phần hút nhựa sống từ cây mà không đem lại kết quả. Tỉa sửa có nghĩa là cái gì đó phải bị cắt bỏ! Cái gì đó mà trước đây nó bình thường nhưng về sau thì không còn bình thường nữa. Người nông dân phải can thiệp và cắt bỏ nó đi. Sự sửa phạt trông giống như vậy phải không? Chúng ta sửa phạt con cái và chúng ta tỉa sửa những cây trồng của mình. Cả hai đều hành động với cùng chung mục đích: để giúp cho con cái trở nên tốt hơn; để làm cho cây cối kết nhiều quả. Khi Đức Chúa Trời sửa phạt con cái Ngài, điều này có thể là đau đớn trong hiện tại, nhưng đối với những ai chịu lấy bài học này sẽ chỉ có một điều xảy ra đó là sẽ sanh sản và điều này không là gì khác hơn TRÁI, trái của sự công bình như Hêbơrơ cho chúng ta biết. Dù thế nào Đức Chúa Trời cũng phải làm điều này, bởi vì đó là công việc của một người Cha yêu thương con cái. Đức Chúa Trời rất yêu thương chúng ta. Vì vậy bài học dạy chúng ta đó là, như bác nông dân phải tỉa sửa cây trồng, để chúng kết quả, thì cũng vậy chúng ta có người Cha trên trời yêu dấu, là Đấng chịu trách nhiệm tỉa sửa để chúng ta được sai trái hơn khi ở trong Đấng Christ.

Kết Trái: những ưu tiên và sự không kết quả

Kết nhiều trái, như chúng ta thấy đó chính là dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Để làm được điều này, một lần nữa thấy rằng chúng ta phải ở trong nhánh nho, tức là ở trong Đức Chúa Giêxu Christ. Hết lòng làm vui lòng Đức Chúa Cha đó là làm những gì Ngài vui lòng. Nếu đây là mục đích, là nỗ lực của cuộc đời chúng ta, thì chúng ta chắc hẳn sẽ kết nhiều quả. Nhưng rõ ràng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời và công việc của Ngài phải là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của chúng ta. Nói cách khác: nếu có điều gì đó gây nguy hiểm cho sự kết trái, có nguy cơ hướng về những điều khác làm cho bị tách rời khỏi nhánh nho, là Đấng Christ. Như Chúa Giêxu nói trong Mathiơ 6:24-34:

Mathiơ 6:24-34
Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa. Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”

Các dân ngoại, những người không tin, thường lo lắng về việc ăn gì, uống gì và mặc gì. Nhưng điều này không nên xảy ra cho chúng ta. Điều trước hết, ưu tiên hàng đầu, những gì chúng ta đặt trên hết, đó phải là vương quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.

Hơn bao giờ hết, ngày nay có hàng trăm thứ trông chờ được quan tâm và đua tranh trong thời kỳ của chúng ta. Hơn bất cứ lúc nào hết, chúng ta có được hàng trăm sự lựa chọn. Chưa có thời kỳ nào mà cá nhân con người lại có nhiều lựa chọn đến như vậy. Người này có thể mở Tivi và lựa chọn hàng trăm kênh truyền hình. Anh ta cũng có thể đến cửa hàng băng đĩa để lựa chọn hàng trăm bộ phim khác nhau. Anh ta cũng có thể lướt trên internet và dành thời gian lựa chọn hàng ngàn trang mạng khác nhau. Chưa hề có thời kỳ nào mà con người có được nhiều lựa chọn đến nỗi có thể tự do làm theo những lựa chọn của mình. Nhưng dù điều này có tốt đẹp thế nào đi nữa, tất cả những nỗ lực đó vẫn tranh chiến dành giật thời gian của chúng ta. Chúng tranh chiến để có được chỗ đứng ưu tiên; một chỗ trong đời sống của chúng ta. Tôi rất thích xem phim nhưng khi tôi xem nhiều quá thì thời gian của tôi cũng mất hết, và tôi hối hận vì cuối cùng không có nhiều thời gian với Chúa và không có đủ thời gian để làm những gì Chúa muốn tôi làm. Tôi thích lên internet và lướt trên các trang mạng xem những điều tôi thích. Nhưng nếu tôi dành quá nhiều thời gian cho nó thì thời gian dành cho Chúa sẽ không còn nữa. Tôi phải giữ những điều này nghiêm túc bởi vì nỗ lực chính của tôi, nỗ lực duy nhất thực sự giá trị của tôi đó là phục sự Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài mà thôi. Như vậy, trong thời kỳ với nhiều sự lựa chọn, hơn bất ký lúc nào khác, chúng ta phải giữ trong tâm trí điều nào là ưu tiên hàng đầu, là mục đích của đời sống chúng ta. Không điều gì khác hơn đó là sanh ra nhiều trái để dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Không điều gì khác hơn đó là tìm biết Đức Chúa Trời và ở trong sự tương giao với cây Nho, là Đấng Christ, mà qua đó sanh ra những bông trái làm vinh hiển Đức Chúa Cha. Điều này không thay đổi. Nó vẫn như vậy đã hơn 2000 năm trước.

Còn một điều nữa trước khi kết thúc: Chúa Giêxu dạy trong thí dụ về người gieo giống về hạng người thứ ba khi nghe Lời Chúa:

Mác 4:3-4, 7
“ Hãy nghe. Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đang gieo…một phần khác rơi nhằm bụi gai; gai mọc rậm lên làm cho nghẹt ngòi, và không kết quả”

Và sự giải thích:

Mác 4: 14, 18-19
“ Người gieo giống ấy là gieo đạo… ‘Còn những kẻ chịu giống gieo nơi bụi gai, là kẻ đã nghe đạo; song sự lo lắng về đời nầy, sự mê đắm về giàu sang, và các sự tham muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt ngòi đạo, và trở nên không trái”

Đạo đã được gieo nhưng nó trở nên một cái cây nghẹt ngòi và không kết trái. Tại sao? Bởi vì những điều khác xâm nhập vào và chiếm trước những vị trí tốt. Những điều khác ở đây là gì? Sự tham muốn khác thấu vào lòng được cho là sự lo lắng về đời này, sự mê đắm về giàu sang. Tất cả những điều này chỉ là những phiền nhiễu lấy cắp những bông trái và trong trường hợp này, chúng ta cướp đi tất cả. Cuối cùng, chúng ta phải quyết định xem ai sẽ là người mà chúng ta phục sự trong cuộc sống này? Chúng ta muốn làm gì trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có muốn dành thời gian cho những sự phiền nhiễu nghẹt ngòi, cho những điều mà thế gian đang tìm kiếm, hay chúng ta muốn sống cuộc đời sanh ra nhiều bông trái dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời? Lựa chọn của bạn là gi? Tôi đã chọn điều thứ hai.

Anastasios Kioulachoglou

 

Phụ Lục

Một số phân đoạn khác về sự kết trái: ngoài những phân đoạn đã trích ở trên, dưới đây là một số phân đoạn cũng nói về cùng một chủ đề.

Côlôse 1:1-10
“ Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của anh em nơi Đức Chúa Jêsus Christ và về sự yêu thương của anh em đối với mọi thánh đồ, vì cớ sự trông cậy để dành cho anh em ở trên trời là sự trước kia anh em đã nhờ đạo Tin Lành chân thật mà biết đến. Đạo Tin Lành đó ở giữa anh em cũng như ở trong cả thế gian; lại kết quả và tấn bộ cũng như trong anh em, từ ngày mà anh em đã nghe rao truyền ơn Đức Chúa Trời và đã học cho thật biết ơn đó, …Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời

Giuđe 1:11-12
“Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am; và bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê. Những kẻ đó là dấu vít trong đám tiệc anh em, như người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê, không lo sợ gì; như đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đi đó, như cây tàn mùa thu, không có trái, hai lần chết, trốc lên bựt rễ;”

II Phierơ 1:5-8
“ Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.”

Giacơ 3:17-18
“ Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.”

Tít 3:13-14
“Hãy lo liệu cho Xê-na, là thầy dạy luật, và A-bô-lô, đừng thiếu đồ chi hết, trong khi họ ra đi. Những người bổn đạo ta cũng phải học tập chuyên làm việc lành, đặng giùm giúp khi túng ngặt, hầu cho họ khỏi đưng đi mà không ra trái.

Êphêsô 5:8-11
“ Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng; vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật. Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn

Rôma 7:4-5
“Hỡi anh em ta, anh em cũng như vậy, bởi thân thể của Đấng Christ, anh em đã chết về luật pháp, đặng thuộc về người khác, tức là người đã từ kẻ chết sống lại, hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời. Vì khi chúng ta còn sống theo xác thịt, thì các tình dục xấu xa bị luật pháp xui khiến, hành động trong chi thể chúng ta và kết quả cho sự chết.”

Rôma 6:20-22
“Vả, khi anh em còn làm tôi mọi tội lỗi, thì đối với sự công bình anh em được tự do. Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đang hổ thẹn; vì sự cuối cùng của những điều đó tứ là sự chết. Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.”