Lời sự Sống

Học biết về tình yêu thương (Phần 1) (PDF) PDF



Học biết về tình yêu thương (Phần 1)



Tình yêu thương là một trong những từ ngữ thường xuyên được sử dụng trong Kinh Thánh. Trong phần này cũng như phần 2, chúng ta sẽ xem xét Lời của Đức Chúa Trời bày tỏ điều gì về tình yêu thương một cách chi tiết.

Tình yêu thương: nó là gì?

Trước khi chúng ta nói về tình yêu thương, chúng ta phải biết chắc mình hiểu nó là gì. Vì vậy chúng ta phải học Lời của Đức Chúa Trời để xem Lời Chúa định nghĩa tình yêu thương là gì. Đây chính là điều mà chúng ta sẽ xem xét hôm nay, bắt đầu từ Ga-la-ti 5.

1. Xác thịt và Thánh Linh

Ga-la-ti 5 là chương gần như dành trọn để bày tỏ sự tương phản giữa bản tính cũ (gọi là "xác thịt" trong Ga-la-ti 5) và bản tính mới (gọi là "thánh linh" trong cùng chương), và sự mâu thuẫn tồn tại giữa chúng. Bàn về thuật từ "xác thịt" hoặc "bản tính cũ" và "thánh linh" hay "bản tính mới", những từ ngữ này được dùng để mô tả trạng thái của một con người trước và sau khi tin nhận. Trước khi một người trở thành Cơ đốc nhân, người đó được cho là "đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình" (Ê-phê-sô 2:1). Theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, cho dù có làm điều gì đi nữa, người đó cũng bị cho là đã chết trong lầm lỗi và tội ác. Người đó có vẻ lịch sự, người đó có thể làm từ thiện, cổ súy cho hòa bình, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường, nhưng theo quan điểm của Đức Chúa Trời, người đó đã chết trong lầm lỗi và tội ác mình, là một người bị hư mất, một người "cách xa sự sống của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 4:18) giống như A-đam sau khi sa ngã. Một số thuật từ mà Kinh Thánh sử dụng để mô tả con người này, bản tính hư nát này, đó là: "con người cũ" (Ê-phê-sô 4:22, Cô-lô-se 3:9), "xác thịt" (Ga-la-ti 5:13-26, Rô-ma 8:1-13), "con người tự nhiên" (I Cô-rinh-tô 2:14), "thân thể hay chết" (Rô-ma 7:24).

May mắn đó là bản tính hư nát này, "xác thịt" này, không phải là bản tính duy nhất của một con người. Con người không phải bị nguyền rủa phải chết mất đời đời trong lầm lỗi và tội ác. Hoàn cảnh này có thể được thay đổi bằng môi miệng xưng nhận Chúa Giê-xu và tin trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ kẻ chết. Như Rô-ma 10:9 nói rằng:

Rô-ma 10:9
"Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu."

Ga-la-ti 5:16-17
"Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh [bản tính mới], chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt [bản tính cũ]. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm."

Bản tính cũ hay xác thịt thì nghịch lại với bản tính mới hay là thánh linh. Để trở nên người chiến thắng, điều cần thiết đó là phải bước đi bằng bản tính mới, thánh linh. Kết quả vì bước đi bằng bản tính mới, bởi thánh linh, được ghi lại trong Ga-la-ti 5:19-23 cùng với kết quả của việc bước đi bằng bản tính cũ, bởi xác thịt:

Ga-la-ti 5:19-23
Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em , như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời. Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các sự đó."

Trong phần công việc đầu tiên, chúng ta có công việc của xác thịt, đó là công việc bày tỏ trong bản tính cũ, trong khi đó trong phần thứ hai, chúng ta có "trái của thánh linh" kết quả của việc bước đi bởi thánh linh, bởi bản tính mới. Lấy ví dụ về tình yêu thương: như chúng ta thấy nó thuộc vào các trái của bản tính mới, thánh linh. Vì vậy tình yêu thương không thể tìm thấy giống như vậy trong bản tính cũ, vì đó là trái của con người MỚI, bản tính mới. Với bản tính mới, chúng ta có thể yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.

Vậy, chúng ta có hai bản tính: một gọi là xác thịt, hay là bản tính cũ. Đây là bản chất mà chúng ta có trước khi tin Chúa Giê-xu Christ và sự sống lại của Ngài. Sau khi chúng ta tin, chúng ta nhận lãnh một bản tính mới, được Ga-la-ti 5 gọi là "thánh linh." Xác thịt, bản tính cũ đã chết trong lầm lỗi và tội ác và không có điều gì tốt ra từ nó. Lấy tình yêu thương làm ví dụ một lần nữa, chúng ta có thể hiểu hơn về sai trật của cụm từ "anh yêu em" được thế gian sử dụng. Tình yêu thương, theo Kinh Thánh đó là bông trái của thánh linh, của bản tính mới và nó không thể tự sản sinh được trừ những ai có bản tính mới này (Cơ đốc nhân xưng nhận Chúa Giê-xu, những ai tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của họ và tin trong lòng rằng Đức Chúa Trời khiến Ngài từ kẻ chết sống lại), VÀ bước đi trong bản tính này. Cũng giống như vậy đối với các kết quả khác mà Ga-la-ti 5:22-23 mô tả như trái của thánh linh: là trái của thánh linh, bản tính mới, chỉ có thể sản sinh từ những con người có bản tính này và bước đi trong nó.

2. Tình yêu thương trong 1 Cô-rinh-tô 13:4-7

1 Cô-rinh-tô 13:4-7 là sự mô tả chi tiết nhất về tình yêu thương là gì và không phải là gì? Tại đây chép rằng:

2 Cô-rinh-tô 13:4-7
"Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự."

Sau đây chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn về mỗi đặc điểm của tình yêu thương và những gì không phải là tình yêu thương.

i) “Tình yêu thương hay nhịn nhục” (1 Cô-rinh-tô 13:4)

Cụm từ "hay nhịn nhục" là động từ Hy-lạp "makrothumeo" được tạo thành từ chữ "makros" có nghĩa là "lâu dài" và "thumos" có nghĩa là "giận dữ," "thạnh nộ." Nói cách khác, "makrothumeo" có nghĩa là "phải mất một thời gian trước khi khiến bạn giận dữ1" và nó trái nghĩa với "sự nóng nảy". "Makrothumeo" có ý nghĩa nhịn nhục với con người hơn là nhịn nhục với hoàn cảnh. Vì nhịn nhục với hoàn cảnh, trong tiếng Hy-lạp có một từ khác, được sử dụng trong cùng phân đoạn của 1 Cô-rinh-tô. Vì vậy, tình yêu thương không nóng giận, nó không phải là sự nóng nảy, nhưng bền bỉ nhịn nhục.

ii) “Tình yêu thương hay nhơn từ” (1 Cô-rinh-tô 13:4)

Một đặc điểm khác của tình yêu thương đó là sự nhơn từ. Chữ "nhơn từ" trong tiếng Hy-lạp là động từ "chresteuomai" được sử dụng một lần duy nhất trong Tân Ước. Tuy nhiên, nó lại được sử dụng nhiều lần trong hai hình thức khác. Một lần trong hình thức tính từ "chrestos" và lần kia là danh từ "chrestotes." "Chrestos" có nghĩa là "tốt, hòa nhã, nhơn từ, hiền lành; chủ động nhơn từ thay vì vô ơn bạc nghĩa". Cuối cùng "chresteuomai" có nghĩa là bày tỏ mình chrestos là hòa nhã, tốt, tử tế thay vì đối xử với lòng bội bạc.

iii) "Tình yêu thương chẳng ghen tỵ" (1 Cô-rinh-tô 13:4)

Chữ "ghen tỵ" được sử dụng trong phân đoạn này là động từ Hy-lạp "zeloo". Danh từ của nó là "zelos". “Zeloo” và “zelos” được sử dụng cho cả hai ý nghĩa tốt và xấu. Theo nghĩa tốt, chúng được sử dụng với ý nghĩa là sốt sắng, nhiệt tình. Ví dụ trong 1 Cô-rinh-tô 13:1, chúng ta được gọi để đeo đuổi theo tình yêu thương, và mong ước [zeloo] những điều thuộc về thánh linh. Tuy nhiên, zelos and zeloo hầu như được sử dụng cho ý nghĩa xấu. Theo ý nghĩa này zelos có nghĩa là đố kỵ, ghen tuông. Gia-cơ 3: 14-16 giải thích rõ về hậu quả và nguồn gốc của sự ghen tuông:

Giacơ 3:14-16
"Nhưng nếu anh em có sự ghen tương [zelos] cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương [zelos] tranh cạnh ấy thì, ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác."

Nguồn gốc của sự ghen tuông và tranh cạnh là xác thịt, bản tính cũ (cũng xem Ga-la-ti 5:20). Hễ khi nào có sự ghen tuông, thì bạn sẽ vui mừng khi thấy tôi đau khổ và khi bạn đau khổ thì tôi vui mừng, rất trái ngược với những gì Lời của Đức Chúa Trời truyền dạy (I Cô-rinh-tô 12:26). Ngược lại, vì tình yêu thương không ghen tỵ cho nên bạn yêu thương, bạn vui mừng vì tôi vui mừng và bạn đau khổ với tôi khi tôi đau khổ.

iv) "Tình yêu thương chẳng khoe mình" (1 Cô-rinh-tô 13:4)

Chữ "khoe mình" ở đây là động từ tiếng Hy-lạp "perpereuomai" có nghĩa là "bày tỏ chính mình với sự khoe khoang hoặc khoác lác." Đó là thái độ cư xử liên tục cho rằng "Tôi đã làm, Tôi có, Tôi tạo ra..v.v" Chữ "Tôi" thường xuyên được người như vậy sử dụng. Là Cơ đốc nhân, chúng ta thỉnh thoảng cũng làm giống như vậy. Chúng ta nói: "Tôi làm điều này vì Chúa . . " "Tôi đã cầu nguyện nhiều," "Tôi dành nhiều thời gian học Kinh Thánh hôm nay," "Tôi biết điều này vì nó từ trong Kinh Thánh" có nghĩa rằng Tôi có giá trị hơn bạn và bạn có lẽ không làm được "nhiều như vậy". Tuy nhiên, khi chúng ta yêu thương chúng ta chẳng khoe khoe khoang, vì chúng ta biết rằng không có gì khiến chúng ta khác hơn so với người anh chị em của chúng ta trong thân thể. Như 1 Cô-rinh-tô 4:7 nói rằng:

1 Cô-rinh-tô 4:7
"Ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì, sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?"

Tất cả mọi thứ mà chúng ta có đều từ Chúa ban cho. Chúng ta không thể nỗ lực để đạt được. Đó là lý do tại sao chúng ta không có quyền khoe khoang trong bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai hơn là Chúa. Như 1 Cô-rinh-tô 1:31 nói rằng:

1 Cô-rinh-tô 1:31
"AI KHOE MÌNH, HÃY KHOE MÌNH TRONG CHÚA."

Vì vậy, chúng ta sẽ khoe khoang về khả năng, giá trị hoặc thậm chí sự suy gẫm của chúng? Nếu chúng ta yêu, chúng ta sẽ không làm như vậy. Bởi vì nếu chúng ta yêu thương chúng ta sẽ khoe mình trong Chúa và chỉ ở trong Ngài mà thôi.

v) "Tình yêu thương chẳng lên mình kiêu ngạo" (1 Cô-rinh-tô 13:4)

Một điều nữa mà tình yêu thương không làm đó là chẳng lên mình kiêu ngạo. Chữ "lên mình kiêu ngạo" là động từ Hy-lạp "fusioo" có nghĩa là "thổi phồng, vênh váo, tự mãn". Trong Tân Ước, từ này được sử dụng 7 lần, 6 lần trong 1 Cô-rinh-tô2. Trong tất cả các trường hợp nó đều được sử dụng cách ẩn dụ với ý nghĩa về sự kiêu ngạo. Một đặc điểm sử dụng của từ này trong 1 Cô-rinh-tô 8:1 cho thấy rằng:

I Cô-rinh-tô 8:1-3
"Luận đến của cùng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sanh kiêu căng, [fusioo], còn sự yêu thương làm gương tốt. Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết. Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó."

Tri thức sinh ra sự kiêu ngạo. Chúng ta không học Kinh Thánh để tìm kiếm tri thức nhưng để tìm biết Đức Chúa Trời, Đấng bày tỏ chính mình Ngài qua Kinh Thánh. Như I Giăng 4:8 nói rằng: "Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương" Nếu không có tình yêu thương chúng ta sẽ không biết Đức Chúa Trời dù cho chúng ta có đầy kiến thức Kinh Thánh. Hơn nữa, nếu tri thức này vẫn tiếp tục là tri thức mà thôi và nó không đi đôi với tình yêu thương thì kết cuộc sẽ dẫn đến việc lên mình kiêu ngạo, trở nên tự mãn, rất trái ngược với tình yêu thương.

vi) "Tình yêu thương chẳng làm điều trái phép" (1 Cô-rinh-tô 13:5)

Một điều nữa mà tình yêu thương không làm đó là chẳng cư xử "trái phép". Chữ "trái phép" ở đây là động từ Hy-lạp "aschemoneo" có nghĩa là "cư xử không phải phép..hành động vô đạo đức". Ví dụ trong Rô-ma 1:27 hành động sai trái của đồng tính luyến ái được gọi là "aschemosune" (thành quả của nó là "aschemoneo"). Vì vậy tình yêu thương không cư xử với hành động vô đạo đức hay không thích hợp, và khi những hành động như vậy thể hiện, nó xuất phát từ nguồn gốc: con người cũ.

vii) "Tình yêu thương chẳng kiếm tư lợi" (1 Cô-rinh-tô 13:5)

Một điều khác mà tình yêu thương không làm đó là chẳng kiếm tư lợi. Cụm từ "tư lợi" là tính từ trong Hy-lạp "eautou". Có một số chỗ trong Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta không kiếm tư lợi. Rô-ma 15:1-3 chép rằng:

Rôma 15:1-3
"Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình [eautou]. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình đặng làm điều ích và nên gương tốt. Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình, như có chép rằng: Lời của những kẻ nguyền rủa Chúa đã đổ trên mình tôi."

Cũng như vậy I Cô-rinh-tô 10:23-24
"Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác."

Khi chúng ta bước đi trong sự yêu thương chúng ta không tìm kiếm sự hài lòng cho riêng mình, cho rằng chúng ta là tâm điểm của mọi hoạt động (chủ nghĩa cá nhân). Ngược lại, bằng cách phục vụ Đức Chúa Trời trong tình yêu thương, chúng ta tìm kiếm sự hài lòng và đem sự phước hạnh đến cho người khác. Đó là những gì mà Chúa Giê-xu Christ đã làm. Ngài phục sự Đức Chúa Trời bằng tình yêu thương và Ngài không tìm kiếm để làm hài lòng chính mình. Đó là lý do tại sao Ngài đi con đường thập giá. Như Philíp 2:7-11 nói rằng:

Phi-líp 2:7-11
"chính Ngài [Chúa Giê-xu] đã tự bỏ mình [eautou] đi, [Hy-lạp]: "tự bỏ mình đi"], lấy hình tôi tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha."

Bởi vì tình yêu thương mà Ngài dành cho chúng ta, Chúa Giê-xu đã tự bỏ mình đi và gánh lấy thập tự vì chúng ta. Nhưng có phải điều đó ra vô ích hay kết cuộc là sự mất mát của cá nhân? KHÔNG. Ngược lại, bởi vì Ngài đã làm như vậy nên, ĐỨC CHÚA TRỜI TÔN VINH Ngài. Cũng như vậy, khi chúng ta yêu thương nhau chúng ta đặt những ưa thích riêng tư qua một bên cùng sự ham muốn của bản thân, đem sự ưu tiên và tập trung vào Đức Chúa Trời và anh chị em của chúng ta trong thân thể. Tôi cần phải giải thích rõ ở đây khi nói đến "ưa thích riêng tư" tôi không có ý nói đến những ràng buộc cá nhân, những điều mà chúng ta phải chăm sóc vì là phần cuộc sống của chúng ta. Nhưng tôi muốn nói về sự phung phí thời gian để cố gắng nỗ lực của xác thịt mà không đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời và chỉ làm thỏa mãn con người cũ.

Bằng cách tập trung vào Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài, kết quả sẽ là những phần thưởng trong đời này và trên thiên đàng. Như Chúa Giê-xu nói trong Giăng 12:25-26:

Giăng 12:25-26
"Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó. Nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người."

Cũng như Mác 10:29-30
"Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đang bây giờ, trong đời nầy, TRĂM LẦN HƠN về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời TRONG ĐỜI SAU."

Bạn có biết sự đầu tư nào có thể đem lại trong đời nầy, "TRĂM LẦN HƠN"? Tôi không biết cái nào! và chắc chắn tôi cũng không biết điều nào trong tương lai sẽ ban cho sự sống đời đời!

viii) "Tình yêu thương chẳng nóng giận" (1 Cô-rinh-tô 13:5)

Chữ "nóng giận" là động từ trong tiếng Hy-lạp "paroxuno" có nghĩa là "mài nhọn bằng cách chà xát vật gì, kích thích, mài cho sắc, xúi giục, và cáu tiết". Danh từ của nó là "paroxusmos" mà tiếng Anh có nguồn gốc của chữ "parosysm" [cơn bộc phát]. Rõ ràng, sự chọc tức và nóng giận không thể nào cùng tồn tại với tình yêu thương chân thật, vì chúng trái ngược nhau.

ix) “Tình yêu thương chẳng nghi ngờ sự dữ” (1 Corinthians 14:5)

Chữ "nghi ngờ" là động từ Hy-lạp "logizomai" có nghĩa là "tính toán". Nó có nghĩa là "sắp đặt tư tưởng của một người, làm đầy tâm trí bằng sự tính toán và đo lường"3. Một bản dịch chính xác hơn trong tiếng Anh đó là bản NIV dịch rằng: "Tình yêu không ghi nhớ những sai lầm" có nghĩa là tình yêu thương nhanh chóng và quên đi mãi mãi điều ác đã từng thực hiện." Thỉnh thoảng con người trên thế giới toan tính trong nhiều năm tháng để trả thù người đã từng hại mình. Tuy nhiên, khi chúng ta bước đi trong bản tính mới, khi chúng ta bước đi bằng tình yêu thương, thì chúng ta không ghi nhớ những sai lầm từng hại chúng ta nhưng chúng ta quên chúng đi.

x) "Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật" (1 Cô-rinh-tô 13:6)

Chữ "điều không công bình" trong tiếng Hy-lạp là "adikia". Có nghĩa là: "Những gì không thoải mái với điều đúng, với những gì đáng phải làm; là những điều không nên làm được lẽ thật bày tỏ; vì vậy là sai trái, không công bình." Tất cả những gì chống lại lẽ thật là điều không công bình. Và qua Giăng 17:17 chúng ta biết rằng lẽ thật là Lời của Đức Chúa Trời, tất cả những gì nghịch lại với Lời Chúa "adikia", là không công bình. Vì vậy, theo phân đoạn này, tình yêu thương vui mừng với lẽ thật, Lời của Đức Chúa Trời, và không vui với những gì nghịch lại Lời Chúa, là những điều không công chính.

xi) "Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự" (1 Cô-rinh-tô 13:7)

Chữ "dung thứ" trong tiếng Hy-lạp là "stego". Một đặc điểm sử dụng của chữ này có thể thấy trong I Cô-rinh-tô 9:12 nơi mà chúng ta thấy Phao-lô và bạn đồng lao của ông, dù họ có trách nhiệm lớn lao, nhưng quyết định không sử dụng quyền của họ đó là "sống nhờ Phúc âm" nhưng "chịu khổ [stego] mọi sự hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin lành của Đấng Christ." Họ chịu khổ trong mọi sự vì cớ phúc âm của Đấng Christ, và họ làm điều đó vì tình yêu thương, tình yêu thương đó chịu đựng, dung thứ mọi sự.

xii) "Tình yêu thương tin mọi sự" (1 Cô-rinh-tô 13:7)

Chữ "tin" trong tiếng Hy-lạp có động từ là "pisteuo" xuất hiện 246 lần trong Tân Ước. Nói theo Kinh Thánh, tin có nghĩa là tin vào những gì Đức Chúa Trời bày tỏ trong Lời của Ngài hoặc qua sự khải thị của Chúa Thánh Linh4 (tuy nhiên phải gắn liền với Lời Chúa trong chữ viết). Vì vậy tình yêu thương tin mọi sự mà Đức Chúa Trời bày tỏ trong Lời Chúa và qua sự bày tỏ của Đức Thánh Linh.

xiii) "Tình yêu thương trông cậy mọi sự" (1 Cô-rinh-tô 13:7)

Một điều nữa mà Lời của Đức Chúa Trời bày tỏ về tình yêu thương đó là trông cậy mọi sự. Một lần nữa chữ "mọi sự" cần phải được hiểu trong bối cảnh chung của Lời của Đức Chúa Trời. Cũng như đức tin, sự trông cậy này chỉ về tất cả những gì Lời của Đức Chúa Trời bày tỏ. Vì vậy, tình yêu thương trông cậy mọi sự được hiểu theo Đức Chúa Trời đó là những thực tại tương lai, là những điều mà chúng ta nên hy vọng và trông đợi. Dĩ nhiên điều rõ ràng nhất có thể thấy ở đây đó là sự hiện đến của Chúa Giê-xu Christ chúng ta.

xiv) "Tình yêu thương nín chịu mọi sự" (1 Cô-rinh-tô 13:7)

Cuối cùng, chúng ta biết rằng tình yêu thương nín chịu "mọi sự". Chữ "nín chịu" là động từ "hupomeno". Ý nghĩa của nó cũng giống nghĩa của chữ "makrothumeo" (nhịn nhục) mà chúng ta đã xem xét ở phần trên. Sự khác biệt ở đây đó là "trong khi chữ hupomeno chỉ về thái độ của một người đối với hoàn cảnh, cho thấy sự chịu đựng trong cơn khốn khổ, thì chữ makrothumeo chỉ về thái độ của một người đối với người khác, cho thấy sự kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm và thậm chí bị người khác chọc tức mà không trả thù5". Vì vậy tình yêu thương ngoài sự kiên nhẫn chịu đựng với con người (makrothumeo) nó cũng là sự kiên nhẫn chịu đựng với hoàn cảnh (hupomeno). Nó kiên nhẫn chờ đợi mà không sờn ngã trong cơn khó khăn.

3. Tình yêu thương trong 1 Cô-rinh-tô 13:4-7: Kết luận:

Kết lại, chúng ta thấy tình yêu thương là kết quả của việc làm bởi bản tính mới, nghĩa là nó được sản sinh khi chúng ta mặc lấy và sử dụng tất cả những gì Lời của Đức Chúa Trời dạy biểu cho chúng ta và điều mà chúng ta có thể làm. Chúng ta cũng xem xét chi tiết mọi sự trong 1 Cô-rinh-tô 13:4-7 nói về tình yêu thương. Trong bài viết “Học biết về Tình yêu thương (Phần II)” chúng ta sẽ thấy nhiều điều hơn nữa về chủ đề này.

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Xem: E.W.Bullinger: "A critical lexicon and concordance to the English and Greek New Testament", Zondervan Publishing House, Grand Rapids, 1975, p. 464. Trừ khi nó ám chỉ ý nghĩa khác, tất cả định nghĩa từ ngữ trong bài học này đều lấy từ nguồn tài liệu này.

2. Nó xuất hiện trong I Cô-rinh-tô 4:6, 18, 19, 5:2, 8:1, 13:4, và trong II Cô-rinh-tô 2:18

3. Xem Dimitrakou: "The Great Lexicon of the Greek Language". Domi Publishers, Athens, 1964, p. 4,362.

4. Những gì Đức Chúa Trời nói qua Thánh Linh, nếu thực sự đến từ Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn gắn liền với Lời của Đức Chúa Trời trong chữ viết.

5. Xem S. Zodhiates, The Complete Word Study Dictionary, AMG Publishers, p. 1424.