Lời sự Sống

Ghê-đê-ôn: Bài Học Kinh Thánh (Các Quan Xét 6 và 7) (PDF) PDF



Ghê-đê-ôn: Bài Học Kinh Thánh (Các Quan Xét 6 và 7)



Kinh Thánh và đặc biệt là Cựu Ước ghi lại nhiều câu chuyện cho chúng ta biết đường lối mà Đức Chúa Trời hành động với nhiều người khác nhau. Một trong những người đó là ông Ghê-đê-ôn. Bài viết này là một nghiên cứu Kinh Thánh về cuộc đời ông.

Ghê-đê-ôn: Bối Cảnh (Các Quan Xét 6:1-10)

Về thời điểm của câu chuyện, chúng ta đang ở trong thời kỳ mà dân Y-sơ-ra-ên được cai trị bởi Các Quan Xét. Quan Xét trước thời Ghê-đê-ôn là Đê-bô-ra, một nữ Quan Xét của Đức Chúa Trời mà qua đó “xứ được hòa bình trong bốn mươi năm” (Các Quan Xét 5:31). Tuy nhiên, sự hòa bình này không kéo dài mãi mãi. Các Quan Xét 6:1-6 cho chúng ta biết:

Các Quan Xét 6:1-6
“Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va phó chúng vào tay dân Ma-đi-an trong bảy năm. Tay của người Ma-đi-an thắng hơn Y-sơ-ra-ên. Vì sợ người Ma-đi-an, nên dân Y-sơ-ra-ên làm cho mình những nơi ẩn náu trong núi, trong các hầm và đồn. Khi Y-sơ-ra-ên đã gieo giống, dân Ma-đi-an với dân A-mê-léc, và người phương Đông đi lên đánh Y-sơ-ra-ên, đóng trại đối ngang người, phá hại mùa màng của xứ cho đến Ga-xa, và không để lại trong Y-sơ-ra-ên lương thực gì, hoặc chiên, bò hay là lừa. Vì chúng nó đi lên đem theo bầy súc vật và trại mình, loán đến khác nào một đám cào cào. Người và lạc đà vô số đến trong xứ đặng phá hại. Vậy, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị nghèo khổ bẩn chật, nên họ kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va.

Sau bốn mươi năm hòa bình, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị đàn áp dữ dội. Như bản văn cho biết, họ tàn phá tài sản đến mức “không để lại cho họ lương thực gì, hoặc cừu, hoặc bò hay lừa.” Tuy nhiên tất cả những tai họa này không phải do tình cờ xảy ra. Các Quan Xét 6:1 đưa ra lý do:

Các Quan Xét 6:1
Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va phó chúng vào tay dân Ma-đi-an trong bảy năm.

“Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va.” Đây là lý do cho sự đàn áp1, dầu vậy cũng có một kết quả tích cực. Thực sự, Các Quan Xét 6:6 nói rằng:

Các Quan Xét 6:6
“Vậy, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị nghèo khổ bẩn chật, nên [kết quả của việc đàn áp] HỌ KÊU CẦU CÙNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA.”

Vì bị áp bức, dân Y-sơ-ra-ên bèn kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va. Một lần nữa cho thấy đây không phải là lần đầu tiên họ hành động như vậy. Thực tế, mặc dầu đã nhiều lần họ làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, thờ phượng những tà thần, nhưng khi tai họa giáng trên họ, họ lại trở lại và tìm kiếm Đức Chúa Trời chân thật2. Các Quan Xét 6:7-10 kể lại thể nào Đức Chúa Trời trả lời kêu cầu của họ:

Các Quan Xét 6:6-10
“Vậy, vì cớ dân Ma-đi-an, Y-sơ-ra-ên bị nghèo khổ bẩn chật, nên họ kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va. Bấy giờ, vì dân Y-sơ-ra-ên đã kêu cầu Đức Giê-hô-va về việc dân Ma-đi-an, nên Đức Giê-hô-va sai một đấng tiên tri đến cùng dân Y-sơ-ra-ên. Người nói cùng chúng rằng: Giê-hô-va Đức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Ta đã đem các ngươi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, rút các ngươi khỏi nhà nô lệ, giải cứu các ngươi khỏi tay người Ê-díp-tô, và khỏi tay hết thảy kẻ hà hiếp các ngươi, và đuổi chúng nó khỏi trước mặt các ngươi; ta đã ban cho các ngươi xứ của chúng nó, và có phán rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, chớ sợ các thần của dân A-mô-rít tại trong xứ mà các ngươi ở. Nhưng các ngươi nào có nghe tiếng ta!”

Đáp lại lời kêu xin của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời sai một tiên tri đem lời của Ngài đến, quở trách họ vì những gì họ đã làm. Tuy nhiên đây mới chỉ là sự khởi đầu. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ thấy những điều khác mà Đức Chúa Trời đã làm.

Ghê-đê-ôn: Sự Khởi Đầu (Các Quan Xét 6:11-35)

Sau khi Đức Chúa Trời sai một tiên tri quở trách Y-sơ-ra-ên, bước tiếp theo đó là Ngài đến gần với một người tên là Ghê-đê-ôn. Các Quan Xét 6:11-12 kể rằng:

Các Quan Xét 6:11-12
“Đoạn, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đến ngồi dưới cây thông Óp-ra thuộc về Giô-ách, người A-bi-ê-xê-rít. Ghê-đê-ôn, con trai người, đang đập lúa mạch trong bàn ép, đặng giấu khỏi dân Ma-đi-an. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người mà rằng: Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi.”

Khi đọc chúng ta thấy có một thiên sứ xuất hiện trước Ghê-đê-ôn, chúng ta không nên tưởng tượng đó là người tóc vàng áo trắng mượt, vỗ trong không khí bằng hai cánh lớn màu trắng. Một thiên sứ như vậy chẳng khác nào những huyền thoại và tưởng tượng. Thực tế, Kinh Thánh không có chỗ nào nói về thiên sứ có cánh, hoặc mặc áo trắng, và tóc vàng mượt. Những gì Kinh Thánh nói đó là “Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” (Hê-bơ-rơ 1:14).

Trở lại chủ đề của chúng ta, xem thế nào Đức Chúa Trời, qua thiên sứ này chào mừng Ghê-đê-ôn. Người gọi ông là “Hỡi người dõng sĩ.” Tuy nhiên lúc đó, Ghê-đê-ôn chỉ là một người nghèo đang đập lúa và phải giấu chúng khỏi dân Ma-đi-an. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, ông là một người mạnh dạn, một người mà chúng ta sẽ thấy, tin cậy và vâng theo Đức Chúa Trời, hoàn toàn thuận phục những gì Đức Chúa Trời truyền dạy cho ông. Những câu tiếp theo cho thấy cách Ghê-đê-ôn đáp lời cho sự chào mừng của thiên sứ:

Các Quan Xét 6:13-14
“Ghê-đê-ôn thưa rằng: Ôi! Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi? Các phép lạ kia ở đâu mà tổ phụ chúng tôi đã thuật lại rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng có đem chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? Vì bây giờ Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng tôi, và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an. Đức Giê-hô-va xây lại cùng người mà phán rằng: Hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng sai ngươi đi sao?”

Ghê-đê-ôn thắc mắc về Chúa đã ở với họ như thế nào trong khi họ phải gặp nhiều tai ương giáng xuống. Tuy nhiên, đó không phải là do Đức Chúa Trời không ở với họ, NHƯNG LÀ VÌ HỌ không ở với Chúa. Để trả lời cho câu hỏi của Ghê-đê-ôn, Đức Chúa Trời bảo ông phải tiếp tục bước tới, Ngài quả quyết rằng ông sẽ là người giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Ngài phán rằng: “Ta há chẳng sai ngươi đi sao?” Đức Chúa Trời đã thực sự sai ông ra đi. Nhiệm vụ này không phải là điều gì đó mà Ghê-đê-ôn tự mình tạo ra. Ông đang đập lúa để giấu chúng khỏi dân Ma-đi-an! Các Quan Xét 6:15-16 thuật lại câu trả lời của Ghê-đê-ôn:

Các Quan Xét 6:15-16
“Người thưa rằng: Than ôi! hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi. Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy.”

Người ta dễ dàng đi theo người khác vì người đó đã ở trong vị trí lãnh đạo như một vị vua hoặc một vị tướng. Nhưng ai sẽ đi theo Ghê-đê-ôn? Ông là người vô danh tiểu tốt. Tuy nhiên, một lần nữa Đức Chúa Trời quả quyết rằng chính Ngài sẽ ở cùng ông. Ngài phán, “Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy.” Đó là lý do tại sao Ghê-đê-ôn không phải sợ hãi. Nhưng Ghê-đê-ôn vẫn nghi ngờ:

Các Quan Xét 6:17-24
“Ghê-đê-ôn thưa lại rằng: Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin ban cho tôi một dấu rằng chính Chúa phán cùng tôi. Xin chớ dan khỏi đây cho đến khi tôi trở lại cùng Ngài, đem của lễ tôi, để trước mặt Ngài. Ngài đáp: Ta sẽ ở đây cho đến khi ngươi trở lại. Ghê-đê-ôn bèn đi vô, dọn sẵn một con dê con, lấy một ê-pha bột làm những bánh nhỏ không men. Người để thịt trong rổ, đổ nước thịt vào nồi, rồi đem ra dâng các món ấy cho Ngài ở dưới cây thông. Thiên sứ của Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy lấy thịt và bánh nhỏ không men, để trên hòn đá nầy, rồi đổ nước thịt ra. Ghê-đê-ôn bèn làm như vậy. Bấy giờ, thiên sứ của Đức Giê-hô-va giơ đầu gậy Ngài đang cầm nơi tay mình ra, đụng đến thịt và bánh nhỏ không men. Lửa từ hòn đá bốc lên, thiêu hóa thịt và bánh nhỏ không men; đoạn, thiên sứ của Đức Giê-hô-va biến đi khỏi mắt người. Ghê-đê-ôn thấy rằng ấy là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, bèn la rằng: Ôi, Chúa Giê-hô-va! khốn nạn cho tôi, vì tôi thấy đối diện thiên sứ của Đức Giê-hô-va! Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng người rằng: Khá yên lòng, chớ sợ chi, ngươi sẽ không chết đâu. Ghê-đê-ôn bèn lập tại đó một cái bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và đặt tên là Giê-hô-va-Sa-lam [Giê-hô-va Sa-lam có nghĩa: Chúa là sự bình an]. Tại Óp-ra, thành của người A-bi-ê-xê-rít, cái bàn thờ ấy vẫn còn đến ngày nay.”

Đây là lần đầu tiên chúng ta biết về việc Ghê-đê-ôn cầu xin và nhận lãnh được dấu hiệu từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đây không phải lần duy nhất. Chúng ta sẽ thấy có nhiều lần khác nữa khi đọc tiếp. Trong các lần đó, có sự kiện nổi bật với tấm lông cừu. Chúng ta sẽ để dành lời ca ngợi về sự cầu xin các dấu hiệu của Ghê-đê-ôn và thói quen cầu xin dấu hiệu từ nơi Chúa trong phần sau. Trong lúc này, cũng đủ để thấy trước khi cầu xin Chúa một dấu hiệu, Ghê-đê-ôn đã biết được ý muốn của Đức Chúa Trời về hoàn cảnh. Ông không cầu xin một dấu hiệu để xác nhận ý muốn của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, ông cầu xin dấu hiệu để khẳng định về những gì mà Đức Chúa Trời đã phán bảo với ông, và vì vậy đó chính là ý muốn của Đức Chúa Trời. Đáp lại lời cầu xin của Ghê-đê-ôn, Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận và ban cho điều ông cầu xin.

Cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và Ghê-đê-ôn tiếp tục suốt đêm. Các Quan Xét 6:25-27:

“Trong cũng một đêm ấy, Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Hãy bắt con bò đực tơ của cha ngươi, và một con bò đực thứ nhì bảy tuổi, rồi phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh tại nhà cha ngươi, và đánh hạ hình tượng A-sê-ra ở trên đó. Đoạn, tại nơi chót hòn đá nầy, ngươi sẽ lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và sắp đặt mọi việc; rồi hãy bắt con bò đực thứ nhì, dâng làm của lễ thiêu với gỗ hình tượng A-sê-ra mà ngươi đã đánh hạ. Ghê-đê-ôn chọn lấy mười người trong bọn đầy tớ mình, và làm theo điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn; và vì người sợ nhà cha mình cùng kẻ trong thành, nên không dám làm theo lịnh ấy ban ngày, bèn làm ban đêm.”

Đức Chúa Trời phán dặn Ghê-đê-ôn phải phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh và đánh hạ hình tượng của nó. Sự tồn tại của bàn thờ và hình tượng cũng như phản ứng giận dữ của người dân khi thấy nơi thờ tự bị hủy phá, theo như câu chuyện kể tiếp (Các Quan Xét 6:28-30), xác nhận rằng tội ác mà Y-sơ-ra-ên đã phạm trước mặt Đức Giê-hô-va đó là tội thờ hình tượng. Câu chuyện cũng cho thấy rằng không phải tất cả Y-sơ-ra-ên nhưng chỉ có một số người trở lại cùng Đức Giê-hô-va và tìm kiếm Ngài. Dầu chỉ bởi một số người đã trở lại đó mà Đức Chúa Trời sẽ giải cứu cả đất nước.

Đức Chúa Trời đã hiện ra cho Ghê-đê-ôn thể nào sau khi dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu cùng Ngài, và thể nào Ngài đã cho biết chính Ghê-đê-ôn sẽ là người giải cứu Y-sơ-ra-ên, chúng ta hãy tiếp tục xem điều gì xảy ra kế tiếp:

Các Quan Xét 6:33-35
“Hết thảy dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và người phương Đông đều hiệp lại, đi ngang qua sông Giô-đanh, và đóng trại tại trũng Gít-rê-ên. Thần của Đức Giê-hô-va cảm hóa Ghê-đê-ôn; người thổi kèn, các người A-bi-ê-xê-rít bèn hiệp lại đặng theo người. Người cũng sai sứ giả đi khắp Ma-na-se; người Ma-na-se bèn nhóm hiệp đặng theo người. Đoạn, người sai sứ giả đến chi phái A-se, Sa-bu-lôn và Nép-ta-li; họ cũng đi lên mà hiệp với người nữa.”

Kẻ thù của Y-sơ-ra-ên, “dân Ma-đi-an và dân A-ma-léc và người phương Đông” đều nhóm hiệp lại tại một nơi. Vào lúc này, Đức Chúa Trời truyền dặn Ghê-đê-ôn sai sứ giả kêu gọi dân sự hiệp lại đằng sau mình. Ở đây chính Đức Chúa Trời khiến Ghê-đê-ôn đi tới quyết định bắt đầu cuộc đấu tranh, kêu gọi dân sự đáp ứng. Tại đây một lần nữa cho thấy rằng Đức Chúa Trời chính là Đấng cầm kế hoạch tranh chiến còn Ghê-đê-ôn là người thi hành kế hoạch đó. Nếu Đức Chúa Trời không có truyền cho ông những điều phải làm, Ghê-đê-ôn không tài nào biết Đức Chúa Trời muốn ông làm gì. Nếu Ghê-đê-ôn không tin vào những gì Đức Chúa Trời phán dặn, và hành động dựa trên điều đó, thì ý định của Đức Chúa Trời sẽ không thể được thực hiện. Vì vậy, sự thành công của cả chiến dịch phụ thuộc rất lớn vào sự hiệp tác giữa Đức Chúa Trời - vị tướng lãnh và Ghê-đê-ôn là người thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời. Không phải là do Ghê-đê-ôn quyết định và thực hiện nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng quyết định và Ghê-đê-ôn là người thi hành. Nguyên tắc là giống nhau khi chúng ta muốn đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng bày tỏ cho chúng ta biết ý muốn của Ngài, mà Ngài đã bày tỏ qua chữ viết hoặc bởi sự mặc khải và chúng ta là những người phải bước đi trong ý muốn của Ngài.

Ghê-đê-ôn và Bộ Lông Cừu (Các Quan Xét 6:36-40)

Sau khi Y-sơ-ra-ên hiệp lại đằng sau của Ghê-đê-ôn, một lần nữa ông cầu hỏi dấu hiệu từ nơi Chúa. Các Quan Xét 6:36-38 kể rằng:

Các Quan Xét 6:36-40
“Ghê-đê-ôn thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nếu Chúa muốn dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như lời Chúa đã phán, thì tôi sẽ để một lốt chiên trong sân đạp lúa; nếu sương chỉ đóng trên lốt chiên, còn đất lại khô ráo, thì tôi sẽ nhận biết Chúa dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như Chúa đã hứa vậy. Việc bèn xảy ra như vậy: ngày mai Ghê-đê-ôn dậy sớm, ép vắt lốt chiên, thì sương chảy ra đầy một chén nước. Ghê-đê-ôn lại thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Xin cơn thạnh nộ Chúa chớ nổi phừng cùng tôi, tôi chỉ sẽ nói lần nầy thôi. Xin Chúa để tôi làm thử với lốt chiên chỉ một lần nầy mà thôi: Xin cho một mình lốt chiên phải khô, còn sương lại đóng khắp trên đất. Trong đêm đó, Đức Chúa Trời bèn làm như vậy; chỉ một mình lốt chiên thì khô, còn khắp trên đất lại bị sương phủ.”

Phân đoạn ở trên mô tả về câu chuyện được biết đến đó là “Bộ lông cừu của Ghê-đê-ôn,” tiếc thay bị hiểu lầm nghiêm trọng, khi nhiều người sử dụng nó để thanh minh cho thói quen tìm kiếm dấu hiệu trong việc tìm biết ý muốn Đức Chúa Trời. Một số người quyết định tìm biết ý Chúa bằng cách thảy đồng xu. Người khác thảy..Kinh Thánh (Kinh Thánh lật đến trang ngẫu nhiên) và người khác thảy cái khác theo cách tương tự. Tuy nhiên, bất cứ những thói quen nào liên quan đến cách thực hiện trong câu chuyện “Bộ Lông Cừu của Ghê-đê-ôn” đều sai. Lý do đó là qua dấu hiệu của bộ lông cừu, Ghê-đê-ôn không tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời. Thay vào đó, bằng cách đặt miếng lông cừu, ông muốn khẳng định những gì ông đã biết, bằng sự mặc khải, rằng đó là ý muốn của Chúa. Thực tế, Các Quan Xét 6:36 kể rằng: “Ghê-đê-ôn thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nếu Chúa muốn dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như lời Chúa đã phán . . . ” Cụm từ “y như lời Chúa phán” cho thấy rằng Ghê-đê-ôn đã biết rõ ý muốn Đức Chúa Trời. Vì vậy, ông không phải cầu xin dấu hiệu để khẳng định ý muốn của Đức Chúa Trời qua dấu hiệu đó. Thay vào đó, ông cầu xin dấu hiệu để khẳng định những gì ông đã biết về ý muốn của Đức Chúa Trời. Bàn về dấu hiệu, một số điều khác cần phải chỉ ra đó là không có chỗ nào trong Lời của Đức Chúa Trời bắt buộc Đức Chúa Trời phải cho chúng ta một dấu hiệu, khi Ngài đã bày tỏ rõ ràng về ý định của Ngài, qua ngôn ngữ viết hoặc bằng sự mặc khải. Khi chúng ta không biết ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta cố gắng tìm kiếm chúng. Chúng ta học Kinh Thánh, và cầu nguyện để Đức Chúa Trời bày tỏ nó cho chúng ta, nếu Ngài chưa bày tỏ điều đó trong Kinh Thánh. Chúng ta không nên đặt những hạn chế đối với Đức Chúa Trời hoặc thúc ép thời điểm và thể loại câu trả lời của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời không bắt buộc Ngài phải đưa ra câu trả lời chúng ta thích nhất, cũng không đưa cho câu trả lời đúng thời điểm mà chúng ta muốn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời bị bắt buộc bởi bản tính của Ngài đó là yêu thương và chăm sóc, bằng cách ban cho chúng ta câu trả lời tốt nhất vào thời điểm tốt nhất. Còn về thói quen cầu xin dấu hiệu, những gì chúng ta có thể nói chắc chắn dựa trên lời của Đức Chúa Trời, đó là Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giúp chúng ta làm theo ý muốn Ngài (dĩ nhiên nếu chúng ta muốn làm theo). Tuy nhiên, không ai có thể giới hạn Chúa trong cách Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Ngài sẽ làm những gì Ngài cho là tốt nhất. Khi điều gì đó ở trong ý muốn của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ ủng hộ một cách trọn vẹn, thậm chí có nghĩa là giữ cho miếng lông cừu khô ráo trong lúc cả mặt đất đều ẩm ướt, hoặc thậm chí đưa đến một đoạn Kinh Thánh theo kiểu tung hứng hoặc bất cứ điều gì giúp đỡ chúng ta tin và làm theo ý muốn Ngài. Không ai nói rằng Đức Chúa Trời không sử dụng dấu hiệu để giúp chúng ta làm theo ý muốn Chúa. TUY NHIÊN, khi những dấu hiệu này được bày tỏ không có nghĩa là chúng thay thế cho Lời của Đức Chúa Trời nhưng theo cách khích lệ cho ai tin theo những gì Ngài đã truyền dạy qua Kinh Thánh hoặc bằng khải tượng, ý muốn của Đức Chúa Trời.

Thảo luận về dấu hiệu một cách xâu xa hơn, tôi tin rằng dấu hiệu vĩ đại nhất để biết điều xảy ra đến từ Chúa hay không đó là cách thể hiện của nó. Mọi sự xảy ra đến từ Đức Chúa Trời thể hiện một cách hòa hợp với Lời của Đức Chúa Trời. Như Châm Ngôn 10:22 nói rằng:

Châm Ngôn 10:22
“Phước lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào.”

Cũng như trong Ê-phê-sô 3:20 nói về Đức Chúa Trời:
“Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.”

Hơn nữa, Gia-cơ 1:16-17 thêm vào:
“Hỡi anh em yêu dấu, chớ tự dối mình: mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.”

Mọi thứ đến từ Đức Chúa Trời đều là một TẶNG PHẨM HOÀN HẢO. Nó sẽ vượt hơn những gì mình cầu xin và suy tưởng. KHÔNG CÓ SỰ ĐAU LÒNG TRONG ĐÓ. Nó hoàn hảo trong thời điểm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ngược lại, những điều đến từ ma quỷ sẽ sớm muộn gì cũng kết thúc trong kết quả trái ngược, ví dụ như trong nước mắt, trong đau khổ và thương tích3. Những giải thích ở trên không có nghĩa là những gì xảy ra đi kèm với sự bắt bớ là không phải đến từ Đức Chúa Trời. Lời của Chúa rõ ràng: “các con sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16:33). Tuy nhiên, ngay cả trong sự hoạn nạn chúng ta sẽ được yên ủi và khích lệ từ nơi Chúa cho những ai theo Ngài. Không ai có thể lấy đi những điều khích lệ này.

 

Ghê-đê-ôn: sự thất bại của dân Ma-đi-an (Các Quan Xét 7)

Trở lại với Ghê-đê-ôn, sau phép lạ với bộ lông cừu, Ghê-đê-ôn được sự mãnh mẽ. Tuy nhiên, thời điểm tranh chiến vẫn chưa đến. Thực sự, sau khi dân Y-sơ-ra-ên hiệp lại và dù cho họ phải đối diện với một đội quân đông đảo, Đức Chúa Trời vẫn đề nghị Ghê-đê-ôn cắt giảm số binh lính! Các Quan Xét 7:1-2 kể rằng:

“Qua ngày sau, Giê-ru-ba-anh, tức là Ghê-đê-ôn, và cả dân sự đồng theo người đều dậy sớm, đi đến đóng trại gần bên suối Ha-rốt. Dinh của Ma-đi-an ở phía bắc về lối nổng Mô-rê, trong trũng. Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Đạo binh đi theo ngươi lấy làm đông quá, ta chẳng phó dân Ma-đi-an vào tay nó đâu, e Y-sơ-ra-ên đối cùng ta tự khoe mà rằng: Tay tôi đã cứu tôi.”

Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho Y-sơ-ra-ên biết rằng chính Ngài là Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Trời có quyền năng giải cứu khỏi kẻ thù bất kể chúng đông đảo đến đâu. Vì vậy, Ngài ra lệnh cho Ghê-đê-ôn cắt giảm binh lính. Các Quan Xét 7:3-8 kể rằng:

“Vậy bây giờ, hãy truyền lịnh nầy cho bá tánh nghe: Ai là người sợ hãi run rẩy, khá trở về khỏi núi Ga-la-át! Hai vạn hai ngàn người bèn trở về, còn một vạn người ở lại. Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Dân hãy còn đông quá, phải biểu chúng xuống nơi mé nước, rồi ta sẽ vì ngươi thử chúng nó tại đó. Hễ kẻ nào ta phán với ngươi rằng: "Nó khá đi với ngươi," thì nó sẽ đi theo ngươi; còn kẻ nào ta phán cùng ngươi rằng: "Nó chớ đi với ngươi," thì kẻ đó không đi. Vậy, người biểu dân sự xuống mé nước; rồi Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Phàm kẻ nào dùng lưỡi liếm nước như chó, và kẻ nào quì gối cúi xuống mà uống, thì ngươi phải để riêng ra. Số người bụm nước trong tay rồi kê miệng liếm là ba trăm, còn lại bao nhiêu đều quì gối cúi xuống mà uống. Bấy giờ, Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước đó mà giải cứu các ngươi, và ta sẽ phó dân Ma-đi-an vào tay ngươi. Còn dân sự khác, ai nấy đều phải trở về nhà mình! Ghê-đê-ôn cho cả người Y-sơ-ra-ên, ai trở về trại nấy, nhưng giữ lại ba trăm người kia; chúng lấy lương thực và cây kèn trong tay. Vả, dinh Ma-đi-an ở thân dưới người, tại trong trũng.”

Cuối cùng, sau khi Đức Chúa Trời lựa chọn, chỉ có 300 người còn lại. Qua họ Đức Chúa Trời đã đánh bại kẻ thù vĩ đại của họ là dân Ma-đi-an và liên minh của chúng. Thực tế, dù sự khác biệt giữa quân số trong chiến trận và đem lại chiến thắng cho Y-sơ-ra-ên, nhưng điều đó hoàn toàn được khẳng định qua những gì Đức Chúa Trời đã phán cùng Ghê-đê-ôn. Thực sự như Ngài đã phán dạy: “Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước đó mà giải cứu các ngươi, và ta sẽ phó dân Ma-đi-an vào tay ngươi.” (Các Quan Xét 7:7). Vì vậy, điều chắc chắn đó là nếu Ghê-đê-ôn tin và làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, chiến thắng sẽ thuộc về Y-sơ-ra-ên vì Đức Chúa Trời đã hứa như vậy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không chỉ đảm bảo kết quả chiến thắng của trận chiến nhưng Ngài còn giúp đỡ Ghê-đê-ôn tin vào lời hứa và bước đi. (Các Quan Xét 7:9-14) kể rằng:

Các Quan Xét 7:9-14
“Xảy trong đêm đó, Đức Giê-hô-va phán cùng Ghê-đê-ôn rằng: Hãy chổi dậy, đi xuống hãm dinh Ma-đi-an, vì ta đã phó nó vào tay ngươi. Còn nếu ngươi sợ hãm nó, thì hãy đi xuống đó với Phu-ra, đầy tớ ngươi. Người sẽ nghe điều chúng nó nói, rồi ngươi sẽ cảm biết rằng mình có sức mạnh mà hãm dinh chúng nó. Vậy, Ghê-đê-ôn đi xuống cùng Phu-ra, đầy tớ mình, đến gần nơi lính canh ở đầu dinh. Vả, dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc, và hết thảy người phương Đông bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì vô số, khác nào cát nơi bờ biển. Trong lúc Ghê-đê-ôn đến, có một người thuật điềm chiêm bao cho bạn mình nghe, rằng: Nầy, tôi có một điềm chiêm bao, thấy một cái bánh nhỏ bằng bột lúa mạch lăn vào trại quân Ma-đi-an: nó lăn đến một trại, đụng làm cho trại ngã, lật ngược trên lộn dưới, nên trại bị đánh đổ. Bọn người đáp rằng: Đó nào khác hơn là gươm của Ghê-đê-ôn, con trai Giô-ách, người Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã phó Ma-đi-an và cả trại quân vào tay người.”

Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ cho Ghê-đê-ôn biết về ý định của Ngài nhưng Ngài còn giúp ông tiếp tục tin vào điều đó. Và xem điều kỳ diệu mà Ngài đã làm: Ngài cho ông đi đến trại quân kẻ thù để nghe thấy bằng chính tai mình thể nào người ta mô tả chiến thắng của ông chống lại dân Ma-đi-an!!! Kết quả của sự giúp đỡ này được tìm thấy trong câu 15 như sau:

Các Quan Xét 7:15
“Khi Ghê-đê-ôn nghe lời thuật điềm chiêm bao nầy và sự bàn điềm đó, thì thờ lạy Đức Chúa Trời; rồi trở về trại quân Y-sơ-ra-ên, mà rằng: Hãy chổi dậy, vì Đức Giê-hô-va đã phó trại quân Ma-đi-an vào tay các ngươi!”

Ngay sau khi Ghê-đê-ôn nghe về điềm chiêm bao và sự giải thích về điềm đó, ông trở nên chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va đã phó trại quân kẻ thù vào tay ông.

Các Quan Xét 7:16-22
“Đoạn, người chia ba trăm người làm ba đội, phát cho mỗi tên những kèn, bình không, và đuốc ở trong bình, mà dặn rằng: Hãy ngó ta, và làm y như ta làm; khi ta đến đầu trại quân, các ngươi sẽ làm theo điều ta làm. Khi ta và những kẻ theo ta thổi kèn, thì các ngươi cũng sẽ thổi kèn ở khắp xung quanh trại quân, và reo lên rằng: Vì Đức Giê-hô-va và vì Ghê-đê-ôn! Ghê-đê-ôn và một trăm quân theo người đi đến đầu trại quân vào lúc canh ba, hồi mới giao canh. Chúng thổi kèn, và đập bể bình mình cầm nơi tay. Bấy giờ, ba đội quân thổi kèn, và đập bể bình, tay tả cầm đuốc, tay hữu nắm kèn đặng thổi; đoạn cất tiếng reo lên rằng: Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn! Chúng đứng vây quanh trại quân, ai cứ chỗ nấy; cả trại quân bèn vỡ chạy, cất tiếng la và trốn đi. Ba trăm người cứ thổi kèn, và khắp trại quân, Đức Giê-hô-va khiến trở gươm của mỗi người chém lẫn bạn mình. Đạo-binh chạy trốn đến Bết-si-ta, về hướng Xê-rê-ra, cho đến bờ cõi A-bên-Mê-hô-la gần Ta-bát.”

Ghê-đê-ôn với kế hoạch táo bạo và tiếp tục tranh chiến với đạo quân hùng mạnh với chỉ 300 người, trang bị . . .những kèn, bình không, và đuốc, cuối cùng đã đánh thắng quân thù hùng mạnh. Bây giờ, nếu có ai hỏi tại sao ông lại quyết định chiến cự với quân Ma-đi-an bằng những phương tiện như vậy, câu trả lời rõ ràng đó là bởi vì Đức Chúa Trời dặn biểu ông như vậy. Thật như vậy, chúng ta nhớ lại chính Đức Chúa Trởi phán bảo với ông rằng chính ông sẽ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Chính Ngài là Đấng bảo ông phải triệu tập dân Y-sơ-ra-ên để chiến đấu, và chính Ngài là Đấng lựa chọn trong cả dân sự đông đảo Y-sơ-ra-ên 300 người ra chiến trận. Chính Ngài là Đấng truyền dạy Ghê-đê-ôn phải làm theo kế hoạch trong đêm tiếp theo. Kết quả đó là chiến thắng huy hoàng cho dân Y-sơ-ra-ên. Bản văn nói rằng: “Đức Giê-hô-va khiến trở gươm của mỗi người chém lẫn bạn mình. Đạo-binh chạy trốn đến Bết-si-ta, về hướng Xê-rê-ra, cho đến bờ cõi A-bên-Mê-hô-la gần Ta-bát.” Câu 23-25 tường thuật lại sự chiến thắng vang dội này của Y-sơ-ra-ên:

Các Quan Xét 7:23-25
“Người Y-sơ-ra-ên, tức những người chi phái Nép-ta-li, A-se và Ma-na-se hiệp lại mà đuổi theo dân Ma-đi-an. Bấy giờ, Ghê-đê-ôn sai sứ vào khắp núi Ép-ra-im đặng nói rằng: Hãy xuống đón dân Ma-đi-an, chận đường chúng nó qua sông, cho đến Bết-Ba-ra và các chỗ cạn của Giô-đanh. Vậy, các người Ép-ra-im hiệp lại, chiếm các bến cho đến Bết-Ba-ra, cùng những chỗ cạn của Giô-đanh. Chúng cũng bắt được hai quan trưởng của dân Ma-đi-an, là Ô-rép và Xê-ép; giết Ô-rép tại nơi hòn đá Ô-rép, và Xê-ép tại nơi máy ép rượu Xê-ép. Đoạn, họ đuổi theo dân Ma-đi-an, cùng đem đầu Ô-rép và đầu Xê-ép đến Ghê-đê-ôn ở phía bên kia sông Giô-đanh.”

Như chúng ta thấy, trong phần cuối của chiến trận những người Y-sơ-ra-ên cũng tham dự vào. Câu 28 trong chương tám cho chúng ta thấy tầm quan trọng của chiến thắng và sự giải cứu mà Đức Chúa Trời đem lại cho Y-sơ-ra-ên qua Ghê-đê-ôn.

Các Quan Xét 8:28
“Dân Ma-đi-an bị phục trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, chẳng cất đầu lên được nữa; nên trong đời Ghê-đê-ôn, xứ được hòa bình trọn bốn mươi năm.”

Khi dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, từ bỏ Ngài và thờ lạy các tà thần thì kết quả đó là sự áp bức và đói kém khủng khiếp. Tuy nhiên, khi họ trở lại và tìm kiếm sự giải cứu của Ngài, thì Ngài sai một tiên tri đến cùng họ để quở trách họ bằng Lời của Ngài. Hơn nữa, Ngài đã dấy lên Ghê-đê-ôn để làm người lãnh đạo cho họ. Mặc dầu là một người nghèo và ít ai biết đến, Ghê-đê-ôn sẵn sàng làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn ông làm, và về phần Đức Chúa Trời, Ngài đã giúp ông từ đầu cho đến cuối để làm trọn sứ mạng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Kết quả đó là sự giải cứu tuyệt vời cho dân Y-sơ-ra-ên và sự hòa bình trong nhiều năm khi Ghê-đê-ôn còn sống. Dĩ nhiên, Ghê-đê-ôn nhận lãnh thật nhiều phước hạnh. Như Các Quan Xét 8:29-32 kể rằng:

Các Quan Xét 8:29-32
“Giê-ru-ba-anh, con trai Giô-ách, trở về và ở trong nhà mình. Vả, Ghê-đê-ôn sanh được bảy mươi con trai, vì người có nhiều vợ. Vợ lẽ người ở tại Si-chem, cũng sanh cho người một con trai đặt tên là A-bi-mê-léc. Đoạn, Ghê-đê-ôn, con trai Giô-ách, qua đời, tuổi tác đã cao, được chôn trong mả của Giô-ách, cha người, tại Óp-ra, là thành dân A-bi-ê-xê-rít.”

Ghê-đê-ôn sống cuộc đời trường thọ và yên lành, không còn phải đem giấu lúa mạch khỏi kẻ thù nhưng sống với gia đình mình trong sự bình an.

Ghê-đê-ôn: kết luận

Vì vậy, kết luận cho thấy rằng rời xa Chúa chỉ đem lại sự áp bức và hoạn nạn. Tuy nhiên, cho dù điều đó xảy ra, Đức Chúa Trời luôn luôn sẵn sàng tha thứ và giải cứu những ai trở lại cùng Ngài.

Ngoài điều này ra, chúng ta học được nhiều điều khác từ câu chuyện này đó là khi Đức Chúa Trời phán dạy điều gì Ngài cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ để chúng ta thực hiện nó. Những điều như các dấu hiệu khi chúng đến từ Đức Chúa Trời, nó phải diễn ra hòa hợp với Lời Đức Chúa Trời, và ủng hộ những gì bày tỏ về ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời của Ngài và sự bày tỏ của Đức Thánh Linh khiến chúng ta biết về ý muốn của Chúa. Nếu chúng ta cần sự giúp đỡ trong hoàn cảnh mới, chúng ta chắc chắn sẽ có sự giúp đỡ mà chúng ta cần. Tôi không biết sự giúp đỡ này đến từ đâu. Tuy nhiên điều tôi chỉ biết đó là nó thật sự sẽ đến và sẽ đầy đủ để hỗ trợ chúng ta trong suốt chặng đường mới, cũng giống như sự đầy đủ đối với Ghê-đê-ôn.

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Tiếc thay, đây không phải là lần duy nhất mà cụm từ “con cái dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” xuất hiện trong Kinh Thánh. Có nhiều chỗ khác nữa (xem ví dụ trong Các Quan Xét 2:11-15; 4:1-2; 10:6; 13:1, 1 Các Vua 11:6, Nê-hê-mi 9:28) cho thấy rằng điều ác mà Y-sơ-ra-ên đã phạm đó là tội thờ hình tượng và là nguyên nhân dẫn đến sự từ bỏ Đức Chúa Trời. Cũng vậy, ký thuật này cũng rõ ràng, điều ác ở đây luôn luôn kéo theo sau sự hủy diệt, hoạn nạn và áp bức.

2. Xem ví dụ trong Các Quan Xét 3:7-9; 3:12-15; 4:3; 10:10, Nê-hê-mi 9:28.

3. Ma quỷ cũng có thể làm những dấu hiệu, nhưng là những dấu hiện giả dối nhằm dẫn chúng ta vào bẫy của chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận với những dấu hiệu. Sự hướng dẫn chúng ta không phải là những dấu hiệu nhưng đó là Lời Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì hòa hợp với Lời Đức Chúa Trời đều đến từ Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì trái ngược với Lời Chúa đều đến từ ma quỷ. Dấu hiệu chỉ giá trị khi ủng hộ một hoàn cảnh mà trong đó hoàn toàn phù hợp với Lời Chúa. Còn nếu không, chúng chẳng có giá trị gì cả.