Lời sự Sống

2 Các Vua 4:1-38: Êlisê, người đàn bà góa và người nữ Shunem (PDF) PDF



2 Các Vua 4:1-38: Êlisê, người đàn bà góa và người nữ Shunem



Một trong những người của Đức Chúa Trời được ký thuật rất nhiều trong Kinh Thánh đó là tiên tri Êlisê. Êlisê là môn đệ và là người tiếp nối chức vụ của tiên tri Êli (xem 2 Các Vua 2). Tiên tri Êlisê bước đi với Chúa một cách đầy năng quyền và Đức Chúa Trời thi thố nhiều phép lạ qua cuộc đời của ông, trong bài học này chúng ta sẽ chỉ nói về hai phép lạ trong số đó. Trong cả hai trường hợp này chúng ta chú trọng đến khả năng giải cứu của Đức Chúa Trời cho những ai tìm kiếm Ngài cho dù họ gặp phải bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.

2 Các Vua 4:1-7: người đàn bà góa với hai người con trai

Câu chuyện thứ nhất được xem xét trong bài học này liên quan đến người đàn bà góa và hai người con trai. 2 Các Vua 4:1 nói rằng người đàn bà này gặp phải một khủng hoảng lớn sau khi người chồng qua đời.

2 Các Vua 4:1
“Vả, có vợ của một người môn đồ của đấng tiên tri đến phàn nàn cùng Ê-li-sê, mà rằng: Kẻ tôi tớ ông, là chồng tôi, đã qua đời; và ông biết rằng kẻ tôi tớ ông kính sợ Đức Giê-hô-va. Vả, chủ nợ người đến toan bắt hai đứa con tôi làm tôi mọi.”

Theo phân đoạn trên, người đàn bà này là vợ của một người đàn ông kính sợ, hết lòng yêu mến Thiên Chúa. Thật không may, chồng của bà qua đời để lại cho gia đình một khoản nợ mà họ không thể trả. Hậu quả là chủ nợ đang đến để bắt hai đứa con trai làm nô lệ. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu hoàn cảnh cấp thiết này: người đàn bà vì số nợ không thể trả sắp bị mất hai đứa con trai. Người đàn bà này đem khó khăn mình khóc lóc với Ê-li-sê, người của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, bà lựa chọn chạy đến với người của Đức Chúa Trời trong lúc khẩn cấp này không phải là tình cờ. Thật sự, khi thời gian không còn nhiều nữa (“chủ nợ toan đến”, thể hoàn thành.., ông ta trên đường đi đến), bạn sẽ không đến với những ai mà bạn biết rằng họ không thể giúp bạn. Rõ ràng, người đàn bà tin rằng một người có thể giúp mình đó là tiên tri Ê-li-sê, người của Đức Chúa Trời1. Hiển nhiên, bà đã quyết định giải quyết khó khăn này và giải quyết nó với ĐỨC CHÚA TRỜI. Đó là những gì người đàn bà nói với tiên tri Ê-li-sê, chúng ta hãy xem tiên tri trả lời cho bà điều gì:

2 Các Vua 4:2
“Ê-li-sê nói với nàng rằng: Ta phải làm gì cho ngươi? Hãy nói cho ta biết; ngươi có vật gì ở nhà?”

Hãy xem sự sẵn sàng của Ê-li-sê. Ê-li-sê sẵn sàng giúp đỡ người đàn bà góa. Ông không quở trách vì số nợ. Theo ý cá nhân tôi, vợ chồng ông bà này đã trải qua một thời gian dài mới lâm vào cảnh nợ nần. Bạn chắc chắn sẽ không đến mức nợ nần trong ngày một ngày hai mà không cố gắng nỗ lực giải quyết chúng. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây không phải là những gì đã xảy ra. Điều cần biết bây giờ đó là hiện tại bà đang cần sự giúp đỡ khẩn thiết và bà tìm đến Chúa. Chúng ta cũng thấy Ê-li-sê không khước từ bà vì vấn đề “quá khó.” Ông cũng không có hướng giải quyết gì cho vấn đề, trước khi Đức Chúa Trời cung cấp giải pháp kỳ diệu mà chúng ta sẽ học trong phần tiếp theo. Dầu vậy, điều này không có nghĩa là ông không sẵn sàng giúp đỡ bà. Ngược lại, câu trả lời cho thấy ông sẵn sàng giúp đỡ trong bất cứ cách nào có thể. Câu 2 bà trả lời rằng:

2 Các Vua 4:2
“Nàng thưa rằng: con đòi ông chẳng có gì trong nhà hơn là một hũ dầu.”

Người đàn bà góa này thật sự đang lâm vào cảnh đói kém. Ở trong nhà chẳng còn gì ngoài một hũ dầu. Có lẽ trong nỗ lực trả nợ, bà đã bán hết mọi thứ. Không còn bàn ghế, giường chiếu, xoong nồi. Thứ duy nhất còn sót lại đó là hũ dầu này. Tuy nhiên, hũ dầu này đủ để Đức Chúa Trời đem đến sự giải cứu cho bà. Câu 3-4 nói rằng:

2 Các Vua 4:3-4
“Người [Ê-li-sê] bèn tiếp rằng: Hãy đi ra ngoài mượn những bình không của các kẻ láng giềng ngươi, chớ mượn ít. Khi ngươi trở về, hãy vào nhà với các con ngươi, đóng của lại, rồi hãy đổ dầu vào các bình đó; hễ bình nào đầy thì để nó riêng ra.”

Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-li-sê truyền bảo người đàn bà đi mượn những bình không và đổ dầu của bà có vào trong những bình đó. Nếu chúng ta không tin vào Đức Chúa Trời, thì sự hướng dẫn này nghe có vẻ giống như khùng. Vì theo luật khoa học, một hũ dầu không thể làm đầy hũ dầu khác cùng kích cỡ. Vì vậy, nói theo khoa học thì những gì Ê-li-sê bảo bà góa này làm là điều sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, nó sẽ không thể xảy ra nếu, tôi lập lại, chúng ta không tin vào Đức Chúa Trời. Vì nếu chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời, mọi thứ hoàn toàn khác. Lý do đó là Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi luật khoa học. Thật sự, đối với Đức Chúa Trời mọi sự xảy ra không phải phụ thuộc vào tính khả quan theo khoa học nhưng phụ thuộc vào việc đó có phải là ý muốn của Ngài hay không. Khi điều gì đó là ý muốn của Chúa, nó sẽ xảy ra dù khoa học có nói gì đi nữa. Rõ ràng, từ điều mà chúng ta đã đọc, chúng ta có thể kết luận rằng Đức Chúa Trời muốn giải cứu bà góa này ra khỏi tai họa như Ngài luôn mong muốn con cái Ngài sống trong sự đắc thắng. Vì vậy, nói theo Kinh Thánh, những gì Ê-li-sê nói theo ý muốn Đức Chúa Trời về hoàn cảnh này, thì nó sẽ chắc chắn xảy ra, 100% sẽ xảy ra, nếu bà góa này làm theo những gì Đức Chúa Trời đã bảo bà làm đó là: i) mượn những bình không; ii) vào nhà với các con và đóng cửa lại; và iii) đổ dầu của bà vào những bình không đó. Tôi không tin bà góa này đã từng thấy trong đời mình một hũ dầu có thể đổ đầy các hũ trống khác. Tuy nhiên, để Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn Ngài, bà phải tin rằng bà sẽ thấy điều đó xảy ra lần đầu trong đời. Đối với Đức Chúa Trời, những gì xảy ra đối với người khác không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây đó là chúng ta sẽ tin và hành động của lòng tin dựa trên những điều Ngài phán bảo. Chúng ta hãy xem cuối cùng, bà góa này có tin Đức Chúa Trời hay không:

2 Các Vua 4:5
“Nàng liền đi khỏi người, vào nhà với các con trai mình, đóng cửa lại; các con trai nàng đem bình lại, và nàng đổ dầu vào.”

Người đàn bà góa TIN vào những gì Đức Chúa Trời phán dạy và làm theo. Ngay sau khi bà rời khỏi Ê-li-sê, bà đi mượn những bình không, “đóng cửa lại” và cùng với các con, đổ dầu của bà vào trong các bình không giống y như những gì Đức Chúa Trời truyền dạy. Kết quả được ghi lại trong câu 6.

2 Các Vua 4:6
“Khi các bình đã đầy, nàng nói với con trai mình rằng: Hãy đem cho ta một bình nữa. Nhưng nó thưa rằng: Hết trơn bình rồi. Dầu bèn ngừng lại.”

Tất cả các bình không bà mượn đều được đổ đầy dầu. Dầu vẫn còn tiếp tục cho đến khi không còn các bình không nào nữa. Tuy nhiên, các bình đầy dầu đủ để bà và các con vượt qua khủng hoảng phá sản đến sự đầy đủ. Thật sự, câu 7 nói rằng:

2 Các Vua 4:7
“Bấy giờ, nàng đem việc ấy thuật cho người của Đức Chúa Trời, thì người nói rằng: Hãy đem bán dầu mà trả nợ của ngươi; đoạn, ngươi và các con trai ngươi sẽ lấy dầu còn lại mà nuôi mình.”

Dầu nhiều đến nỗi bà và các con có thể trả nợ và dùng nuôi mình. Vậy, người đàn bà góa không chỉ được giải cứu khỏi cơn khủng hoảng nhưng bà được hơn sự giải cứu: bà có dầu làm của cải. Tất cả điều này có được là do bà đã tìm kiếm sự giải cứu từ Thiên Chúa. Bà đến với Đức Chúa Trời và đầy tớ của Ngài trong sự đói khổ và bị khủng hoảng, và ra đi trong sự giàu có và được giải cứu. Ngợi khen Đức Chúa Trời của chúng ta Đấng luôn luôn sẵn sàng giải cứu.

2 Các Vua 4:8-30: Người Nữ Shunem

Ký thuật trên kể về người đàn bà góa không phải là câu chuyện duy nhất trong Kinh Thánh nơi mà chúng ta thấy quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời được bày tỏ. Như chúng tôi đã nói, Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời giải cứu và vì vậy Kinh Thánh kể lại rất nhiều trường hợp nói về thể nào người ta tin cậy Chúa và họ được giải cứu. Một trong những trường hợp có thể thấy trong cùng chương này của 2 Các Vua, sau câu chuyện của người đàn bà góa với hai con trai. Câu chuyện bắt đầu từ câu 8:

2 Các Vua 4:8
“Một ngày kia, Ê-li-sê đi ngang qua đất Su-nem. Ở đó, có một người đàn bà giàu, cầm người ở lại ăn bữa. Từ ấy, mỗi khi người đi ngang qua đó, thì vào nhà người đàn bà nầy mà dùng bữa.”

Một lần nữa, phụ nữ là nhân vật chính trong câu chuyện. Tuy nhiên, ngược lại với trường hợp trước đó người đàn bà rất nghèo, thì người phụ nữ này là một người giàu có, có thể là người không phải lo lắng về tài chính. Một ngày kia, khi Ê-li-sê đang ở trong vùng, người phụ nữ giàu có này mời ông ở lại dùng bữa tại nhà bà ta, và cuối cùng, mỗi lần ông đi ngang qua đó thì vào nhà người phụ nữ này mà dùng bữa. Tại đây chúng ta có thể hiểu sự kính trọng và chăm sóc mà bà dành cho Ê-li-sê là thế nào. Vì bạn sẽ không mời ai đó vào nhà ăn uống mỗi lần họ đi ngang qua nếu bạn không tôn trọng và quan tâm đến họ. Nhưng tại sao người phụ nữ này chăm sóc Ê-li-sê nhiều như vậy? Câu trả lời ở trong câu 9.

2 Các Vua 4:9
“Người nói với chồng mình rằng: Tôi biết rằng người năng đến nhà chúng ta đây, là một người thánh của Đức Chúa Trời.”

Đối với phụ nữ này, Ê-li-sê là “một người thánh của Đức Chúa Trời”. Đó là lý do vì sao bà đối xử tử tế với ông. Sự tôn trọng và chăm sóc cho Ê-li-sê phản ánh sự tôn trọng và yêu mến dành cho Đức Chúa Trời của Ê-li-sê. Tuy nhiên, sự chăm sóc của bà không dừng lại chỉ với thức ăn. Câu 9 và 10 nói đến những điều xa hơn:

2 Các Vua 4:9-10
“Người nói với chồng mình rằng: Tôi biết rằng người năng đến nhà chúng ta đây, là một người thánh của Đức Chúa Trời. Xin chúng ta hãy xây cất cho người một cái phòng cao, rồi để tại đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn. Vậy, khi người đến nhà ta, thì sẽ ở lại đó.”

Người phụ nữ này thật sự chu đáo. Bà không những mời ông ăn mà còn muốn xây cho ông một cái phòng để ông có thể ở đó mỗi lần đi ngang qua. Không cần phải nói, Đức Chúa Trời không làm ngơ trước sự quan tâm và chăm sóc của người phụ nữ này mà Ngài không ban thưởng. Câu 11-13 kể rằng:

2 Các Vua 4:11-13
“ Một ngày kia, Ê-li-sê đi đến Su-nem, trọ nơi phòng cao, và ngủ tại đó. Người nói với Ghê-ha-xi, tôi tớ mình, rằng: Hãy gọi người đàn bà Su-nem đó đến. Ghê-ha-xi gọi nàng; nàng ra đứng trước mặt người. Người nói với tôi tớ mình rằng: Hãy nói cùng nàng rằng: Kìa, ngươi đã lo liệu cho chúng ta mọi điều nầy; vậy chúng ta phải làm gì cho ngươi? Có phải ngươi muốn ta nói giùm cho ngươi với vua hay là với quan tổng binh chăng? Nàng thưa rằng: Tôi vẫn ở giữa dân sự tôi.”

Ê-li-sê nhận biết và cảm ơn vì sự quan tâm mà bà dành cho ông. Vì vậy, để đổi lại sự tử tế đó, ông chủ động đề nghị sẽ nói giùm cho bà đến với vua hoặc quan tổng quân đội. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà người phụ nữ Shunem này mong muốn vì bà đang thỏa lòng sống giữa vòng dân tộc mình. Điều mà bà thực sự ao ước được ghi lại trong câu kế tiếp:

2 Các Vua 4:14-17
“Ê-li-sê lại tiếp: Vậy, chúng ta phải làm gì cho người? Ghê-ha-xi đáp rằng: À nầy, người không có con trai, và chồng người đã già rồi. Ê-li-sê nói rằng: Hãy gọi nàng. Ghê-ha-xi gọi nàng, nàng đến đứng nơi cửa. Ê-li-sê nói với người đàn bà rằng: Năm tới, trong lúc nầy, ngươi sẽ ẵm một đứa con trai.”

Người phụ nữ này không có con, và nói theo khoa học, bà không có xác suất để sanh sản, bởi vì chồng của bà đã già rồi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bà không thể có con. Bởi vì, vẫn còn ai đó có thể làm thỏa mãn những mơ ước thậm chí khi khoa học cho số không về xác suất hiện thực mơ ước đó. Người đó là ai? Câu trả lời đó là chính ĐỨC CHÚA TRỜI. Như chúng ta đã thấy trong trường hợp của người đàn bà góa, không có gì là không thể đối với Đức Chúa Trời và khi điều gì đó là ý muốn của Ngài, nó sẽ xảy ra, bất kể xác suất có thể nói gì. Vì đối với khoa học, người phụ nữ này không có xác suất để có con. Tuy nhiên, bởi vì đây là ý muốn của Đức Chúa Trời cho nên bà ta sẽ có con cái.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý nữa đó là Ê-li-sê lúc ban đầu không biết điều mong ước của bà là gì. Nếu không, thì ông sẽ không chủ động đề nghị nói giúp bà với vua hoặc với quan tổng quân đội hoặc nhờ Ghê-ha-xi nói điều ông nên làm cho bà ta. Tuy nhiên, không có gì khác thường ở đây cả. Đối với Ê-li-sê, cũng như với những người khác có Đức Thánh Linh2, có thể biết những tri thức thông qua năm giác quan hoặc qua sự khải thị của Đức Chúa Trời. Rõ ràng trong trường hợp này, Đức Chúa Trời không bày tỏ cho ông ngay từ đầu rằng người phụ nữ này mong ước có một đứa con. Thay vào đó, Ngài nói với ông qua Ghê-haxi, vì Ngài cho rằng đây là cách khiến thông tin dễ dàng tiếp cận nhất. Qua Ghê-ha-xi, Ê-li-sê biết người đàn bà không có con, Đức Chúa Trời mặc khải trực tiếp cho ông rằng khoảng một năm sau người này sẽ có một đứa con trai, và đó là lý do tại sao Ê-li-sê thông báo cho bà như vậy. Phản ứng của bà đối với lời hứa tuyệt vời này trong câu 16:

2 Các Vua 4:16
“Nàng thưa: Hỡi chúa tôi, là người của Đức Chúa Trời! Xin chớ nói dối cùng con đòi của chúa.”

Người đàn bà nghĩ rằng Ê-li-sê đang nói dối. Bà không thể tin rằng mong ước lớn nhất của mình sẽ được thỏa nguyện. Đây không phải là điều bất thường: thỉnh thoảng chúng ta cũng chậm tin những điều kỳ diệu mà Lời Chúa nói rằng Đức Chúa Trời hứa ban cho chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng nó quá tốt nên khó mà thật. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng những quà tặng đến từ Đức Chúa Trời là tốt và hoàn hảo (Gia-cơ 1:17). Khi nói về Ngài, không có chuyện “quá tốt nên khó mà thật”, bởi vì chỉ có ĐIỀU TỐT VÀ THẬT đến từ Đức Chúa Trời. Như Ê-phê-sô 3:20 nói rằng Đức Chúa Trời “CÓ THỂ LÀM TRỔI HƠN VÔ CÙNG MỌI VIỆC CHÚNG TA CẦU XIN HOẶC SUY TƯỞNG”. Không điều gì cản trở Ngài làm những gì Ngài muốn. Trở lại câu chuyện, theo ý kiến của tôi, lời hứa về một đứa con đối với người phụ nữ kia thật sự thuộc vào khía cạnh của “sự trổi hơn vô cùng” điều mà bà cầu xin hoặc suy tưởng. Đó là lý do tại sao bà cho rằng Ê-li-sê đang nói dối bà. Tuy nhiên, lời hứa không chỉ tuyệt vời nhưng nó trở thành hiện thực. Câu 17 ghi lại rằng:

2 Các Vua 4:17
“Người đàn bà ấy thọ thai, và một năm sau, cũng trong lúc đó, sanh một đứa con trai, y như lời Ê-li-sê đã nói trước cho nàng.”

Một năm sau, người phụ nữ đó đã sanh một con trai y như lời Đức Chúa Trời phán hứa. Dù có vẻ câu chuyện có thể kết thúc rất hay tại đây, nhưng đây chưa phải là kết thúc. Bởi vì, câu tiếp theo cho chúng ta biết đứa trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng khi nó lớn lên:

2 Các Vua 4:18-20
“Xảy ra khi đứa trẻ lớn lên, một ngày kia nó đi đến cha nó nơi những người gặt lúa, mà nói rằng: Đầu tôi đau! Đầu tôi đau! Người cha biểu kẻ tôi tớ đem nó về cho mẹ nó. Người tôi tớ đem nó về, giao cho mẹ nó; đứa trẻ ngồi trên đầu gối của mẹ cho đến trưa, rồi chết.”

Đứa trẻ bị nhiễm bệnh dịch nghiêm trọng đến nỗi nó chết rất nhanh. Như chúng ta thấy mặc dầu đứa trẻ là tặng phẩm từ Đức Chúa Trời, mà theo Gia-cơ 1:17, đó là hoàn hảo và tốt lành, thì ma quỷ tìm cách đánh nó. Nhưng một lần nữa, đây không phải là điều bất thường. Thật sự, không nơi nào trong Lời Chúa nói rằng người tin theo Ngài (cha mẹ, anh chị, vợ hoặc chính người tín hữu) sẽ không bao giờ bị bệnh. Có một kẻ thù, đó là ma quỷ mà công việc của nó là gây nên bệnh tật. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh gọi những người bệnh được Đức Chúa Giê-xu Christ chữa lành vì “bị ma quỷ ức hiếp” (Công Vụ 10:38): gọi như vậy là bởi vì ma quỷ ức hiếp họ với bệnh tật. Do vậy, sự chết và bệnh tật không phải từ Đức Chúa Trời mà đến. Ngược lại, chúng có nguồn gốc từ kẻ chống nghịch quyền năng Đức Chúa Trời, đó là ma quỷ. Mặc dầu, kẻ chống nghịch có khả năng; khi chúng tìm cách đem bệnh tật đến, thì Đức Chúa Trời, Đấng vĩ đại hơn ma quỷ (1 Giăng 4:4), có thể chữa lành cho chúng ta khỏi bất cứ mọi dịch bệnh nào. Như Thi Thiên 103:3 nói rằng:

Thi Thiên 103:3
“ẤY LÀ NGÀI..CHỮA LÀNH MỌI BỆNH TẬT NGƯƠI”

Đức Chúa Trời không chữa một phần bệnh tật của chúng ta nhưng TẤT CẢ bệnh tật, bất kể ý kiến khoa học nào về khả năng chữa trị chúng. Trở lại với câu chuyện, Đức Chúa Trời có thể đi xa hơn để làm trở lại một thực tế dường như không thể đảo ngược về cái chết của đứa trẻ? Chúng ta sẽ xem câu trả lời ngay sau đây, sau khi chúng ta xem cách phản ứng của người mẹ về sự việc này.

2 Các Vua 4:21-24
“Nàng bèn đi lên để nó nằm trên giường người của Đức Chúa Trời, rồi đi ra, đóng cửa lại. Kế đó, nàng kêu chồng mình mà nói rằng: Tôi xin ông cắt cho tôi một đứa đầy tớ, và một con lừa, để tôi chạy đến người của Đức Chúa Trời; đoạn, tôi sẽ trở về. Chồng hỏi nàng rằng: Ngày nay chẳng phải mồng một, cũng chẳng phải ngày Sa-bát. Vậy, nhân sao muốn đi đến cùng người? Nàng đáp: Mọi điều bình an. Nàng biểu thắng lừa, và nói với kẻ tôi tớ rằng: Hãy đem ta đi mau mau, nếu ta biểu ngươi mới ngừng lại.”

Từ cách phản ứng của người mẹ rõ ràng cho thấy bà không cho rằng sự chết của con mình là một thực tế không thể đảo ngược. Thật vậy, thay vì khóc lóc xung quanh đứa con và báo cho chồng biết sự việc, bà đã đem đứa con mình đặt trên giường của người của Đức Chúa Trời và yêu cầu chồng bà đưa một con lừa và một đứa đầy tớ trẻ để bà có thể đến gặp tiên tri. Rõ ràng, người phụ nữ này nhận biết con của bà là tặng phẩm mà Đức Chúa Trời ban cho và sự chết của nó không phải là ý định của Đức Chúa Trời. Vì vậy, bà không chấp nhận sự chết của con mình là một sự thật không thể thay đổi. Đó là lý do tại sao bà vội vã đến với Ê-li-sê, và không nói với ai bất cứ điều gì đã xảy ra. Câu 25-28 kể lại những gì xảy ra khi bà gặp Ê-li-sê.

2 Các Vua 4:25-28
“Vậy, nàng đi đến cùng người của Đức Chúa Trời tại trên núi Cạt-mên. Người của Đức Chúa Trời thấy nàng đằng xa, bèn nói với Ghê-ha-xi, kẻ tôi tớ mình, rằng: Kìa, người đàn bà Su-nem! Vậy, hãy chạy đi đón nàng, và hỏi nàng rằng: Mọi việc đều bình an chăng? Chồng và con ngươi bình an chăng? Nàng đáp: Bình an. Khi nàng đến gần người của Đức Chúa Trời, tại trên núi, thì ôm lấy chân người. Ghê-ha-xi đến gần đặng xô nàng ra, nhưng người của Đức Chúa Trời nói cùng người rằng: Hãy để mặc nàng; linh hồn nàng đắng cay; Đức Giê-hô-va có giấu ta điều đó, không tỏ cho ta hay. Người đàn bà ấy bèn nói rằng: Tôi há có cầu chúa một đứa con trai sao? Tôi há chẳng có nói với chúa rằng: Xin chớ dối tôi?”

Một lần nữa chúng ta có thể thấy rằng nếu Chúa không phán bảo, Ê-li-sê, cũng như bao người khác, không thể biết trước được điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ kia. Người mẹ này rõ ràng đang rất sầu não. Tuy nhiên, dầu sự sầu não lớn đến đâu, bà vẫn lấy can đảm để đứa trẻ ở nhà và đến gặp người của Đức Chúa Trời. Ê-li-sê phản ứng ngay lập tức:

2 Các Vua 4:29-31
“Ê-li-sê nói cùng Ghê-ha-xi rằng: Hãy thắt lưng ngươi, cầm gậy ta nơi tay và đi. Nếu ngươi gặp ai, chớ chào họ; nếu ai chào ngươi, chớ đáp lại. Ngươi sẽ đặt cây gậy ta trên mặt đứa trẻ. Người mẹ của đứa trẻ nói rằng: Tôi chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống, và chỉ mạng sống của ông mà thề, tôi chẳng hề lìa khỏi ông! Ê-li-sê bèn chỗi dậy, và đi theo người. Ghê-ha-xi đi trước hai người, và đặt cây gậy trên mặt đứa trẻ. Nhưng người chẳng nghe một tiếng nào, cũng chẳng thấy mòi gì sống. Người trở lại đón Ê-li-sê, và thưa cùng người rằng: Đứa trẻ không tỉnh lại.”

Ghê-ha-xi đi đến nhà trước. Nhưng mặc dầu ông đã làm những gì Ê-li-sê dặn biểu, đứa trẻ vẫn không sống lại. Sau đó, Ê-li-sê và bà mẹ của đứa trẻ mới về đến nhà:

2 Các Vua 4:32-33
“Khi Ê-li-sê vào nhà, thấy đứa trẻ đã chết, nằm sải trên giường. Ê-li-sê vào trong phòng, đóng cửa lại, có đứa trẻ và mình ở trong, RỒI CẦU NGUYỆN CÙNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA.”

Ê-li-sê CẦU NGUYỆN cùng Đức Giê-hô-va. Đây là phản ứng của ông. Chắc chắn ông đang ở trong một tình huống rất khó khăn: đứa trẻ mà Đức Chúa Trời hứa cho người đàn bà này qua ông nay đã chết, và không thấy có dấu hiệu phục hồi nào sau khi Ghê-ha-xi đã làm những điều Ê-li-sê dạy bảo. Mặc dầu vậy, chúng ta không thấy Ê-li-sê mất đi lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời một chút nào, hoặc cảm thấy thất vọng hoặc từ bỏ. Thay vào đó, ông đối diện với hoàn cảnh như ông nên làm: CẦU NGUYỆN CÙNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA. Chính Đức Giê-hô-va là nguồn của mọi câu trả lời, và Ê-li-sê cần câu trả lời để biết phải làm gì trong tình huống này. Vậy, ông cầu nguyện với Đấng duy nhất biết câu trả lời: đó là Đức Giê-hô-va3. Cuối cùng, Đức Chúa Trời trả lời cầu nguyện của ông. Câu 34-35 nói rằng:

2 Các Vua 4:34-35
“Đoạn, người leo trên giường, nằm trên đứa trẻ; đặt miệng mình trên miệng nó, mắt mình trên mắt nó, và tay mình trên tay nó. Người nằm ấp trên mình nó, xác đứa trẻ bèn ấm lại. Ê-li-sê trở xuống, đi qua đi lại trong phòng; đoạn, leo lên giường, nằm ấp trên mình đứa trẻ nữa. Rốt lại, nó nhảy mũi bảy lần, và mở mắt ra.”

Tất cả những hành động mà phân đoạn trên mô tả về Ê-li-sê, không phải là những gì xuất phát từ suy nghĩ của ông. Thay vào đó, chúng được thực hiện sau sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Rõ ràng trong trường hợp này theo kết quả: đứa trẻ được chữa lành và Ê-li-sê đưa nó lại cho mẹ nó:

2 Các Vua 4:36-38
“Ê-li-sê liền gọi Ghê-ha-xi mà biểu rằng: Hãy gọi người đàn bà Su-nem. Ghê-ha-xi gọi người. Khi nàng chạy đến, Ê-li-sê nói với nàng rằng: Hãy ẵm lấy con ngươi. Nàng bèn lại gần, sấp mình xuống dưới chân người và lạy; đoạn ẵm lấy con mình và đi ra. Ê-li-sê trở về Ghinh-ganh.”

Đức Chúa Trời giải cứu người phụ nữ và làm ngược lại sự thật không thể đảo ngược về cái chết của đứa trẻ, qua đó cho thấy rằng Ngài có thể đi xa đến mức cần thiết để giải cứu những ai tìm kiếm quyền năng giải cứu từ nơi Đức Chúa Trời.

3. Kết luận

Trong bài viết này chúng ta xem xét hai trường hợp về quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời. Người đọc nên khuyến khích chính mình nghiên cứu Lời Chúa để tìm ra nhiều ví dụ hơn nữa. Trong cả hai trường hợp mà chúng ta xem xét, nói chung người đọc có thể tìm thấy Lời Chúa qua một bài học giống nhau đó là: những ai tin cậy nơi Chúa và tìm kiếm Ngài sẽ không bị hổ thẹn với bất cứ vấn đề nào họ gặp phải. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời giải cứu và không có giới hạn trong quyền năng giải cứu của Ngài. Ngài có thể đi xa hơn để làm đầy dầu cho những bình không hoặc có thể làm cho đứa trẻ đã chết sống lại, để giải cứu dân sự của Ngài. Ngài thật sự “có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng”. Vì vậy, mong rằng trong mọi sự mà chúng ta cần, hãy TIN CẬY nơi quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời, chắc chắn rằng nếu chúng ta tin, điều duy nhất sẽ xảy ra đó là: chúng ta sẽ được giải cứu.

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Bà đã từng biết tiên tri Ê-li-sê qua chồng của mình vì ông từng là tôi tớ của tiên tri và ông là người kính sợ Đức Giê-hô-va.9

2. Ngày nay chúng ta có Đức Thánh Linh vì được sanh lại, điều này xảy ra khi một người tuyên xưng bằng chính môi miệng mình và tin trong long rằng Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong cõi chết (Rô-ma 10:9).

3. Để biết nhiều hơn về tầm quan trọng của sự cầu nguyện, hãy xem: Ý kiến của Chúa Giê-xu về sự cầu nguyện