Lời sự Sống

Quan điểm của Chúa Giê-xu về sự cầu nguyện (PDF) PDF



Quan điểm của Chúa Giê-xu về sự cầu nguyện



Bài viết này xem xét về tầm quan trọng của sự cầu nguyện đối với Chúa Giê-xu. Lời của Đức Chúa Trời đề cao tầm quan trọng của sự cầu nguyện bằng cách kêu gọi chúng ta phải "cầu nguyện không thôi" (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17), "vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện" (1 Phi-e-rơ 4:7), hãy "bền lòng mà cầu nguyện" (Rô-ma 12:12), "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào" (Cô-lô-se 4:2).v.v1.

Tuy nhiên, dầu cho tất cả những trích dẫn Lời của Đức Chúa Trời về tầm quan trọng của sự cầu nguyện, thì hoạt động cầu nguyện vẫn bị bỏ quên và thường là hoạt động ít được ưu tiên. Mục đích của bài viết này là giải thích về tầm quan trọng của sự cầu nguyện cách rõ ràng thông qua đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-xu.

1. Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Lu-ca 5:15-16

Để bắt đầu khảo sát về những ghi chép cho thấy Chúa Giê-xu cầu nguyện, chúng ta sẽ xem trong Lu-ca 5. Trong ký thuật này cũng như những ký thuật khác trong phần sau, điều quan trọng là phải lưu ý đến bối cảnh, vì nó sẽ giúp chúng ta thấy những hoàn cảnh mà Chúa Giê-xu cầu nguyện. Bắt đầu từ Lu-ca 5:12-13, kể về sự chữa lành người phung. Sau đó câu 15 nói rằng dù Chúa Giê-xu muốn tránh quảng bá những phép lạ của mình, "Danh tiếng Ngài càng ngày càng vang ra, và một đoàn dân đông nhóm họp để nghe Ngài và để được chữa lành bịnh." (Lu-ca 5:15) Từ phân đoạn này, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-xu rất bận rộn với những đám đông đến với Ngài; Chắc chắn Ngài bận rộn hơn chúng ta. Trong hoàn cảnh như vậy, bao nhiêu người trong chúng ta thực sự dành thời gian để cầu nguyện? Nhưng hãy xem Chúa Giê-xu đã làm gì:

Lu-ca 5:16
"Song Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện"

Chữ "song" mô tả hai điều trái ngược nhau. Trường hợp trước mô tả Chúa Giê-xu rất bận rộn. Trường hợp theo sau nói rằng dầu Ngài bận rộn nhưng vẫn lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện. Mặc dầu đây là một phát biểu quan trọng cho thấy Chúa Giê-xu coi trọng sự cầu nguyện, nhưng nó cũng không bày tỏ hết vẻ đẹp của ý nghĩa trọn vẹn như trong bản văn Hy-lạp. Trong bản văn Hy-lạp, thì của động từ được sử dụng ở đây chỉ về điều gì đó được thực hiện lặp đi lặp lại đều đặn trong quá khứ, trái ngược với thì quá khứ đơn được sử dụng trong hầu hết các bản dịch cho rằng điều gì đó được thực hiện trong quá khứ một lần trong thời điểm nào đó2. Vì vậy, một cách dịch chính xác hơn cho câu 15 và 16 đó là:

Lu-ca 5:15-16
"Danh tiếng Ngài càng ngày càng vang ra, và một đoàn dân đông nhóm họp để nghe Ngài và để được chữa lành bịnh. Song Ngài tiếp tục lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện."

Vì vậy, câu 15 và 16 không phải mô tả những gì Chúa Giê-xu chỉ làm một lần trong đời. Hai câu này nói rằng Ngài luôn luôn bận rộn với đoàn dân, nhưng Ngài cũng luôn luôn dành thời gian để cầu nguyện. Nói cách khác, cầu nguyện là một thói quen của Chúa Giê-xu, là điều mà Ngài đặt ưu tiên hơn hết cho dù Ngài rất bận rộn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Điều này quan trọng đến nỗi Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời phải dành thời gian đặc biệt để cầu nguyện thậm chí khi Ngài rất bận với nhiều hoạt động thánh thiện. Hơn nữa, điều này muốn nói rằng vấn đề cầu nguyện không phải vì vấn đề thời gian, nhưng đó là vấn đề thứ tự ưu tiên. Chúa Giê-xu dành thời gian cầu nguyện bởi vì Ngài quyết định dành thời gian cho nó. Tất cả chúng ta đều dành thời gian cho nhiều hoạt động khác nhau. Vì vậy câu hỏi đó là liệu chúng ta có thời gian hay không, vì một ngày có thời lượng như nhau cho tất cả chúng ta, cũng như cho Chúa Giê-xu đó là 24 tiếng đồng hồ. Điều cần phải hỏi đó là sự cầu nguyện được ưu tiên như thế nào trong lịch sinh hoạt mỗi ngày của chúng ta? Có phải sự cầu nguyện của chúng ta là ưu tiên hàng đầu giống như Chúa Giê-xu hay nó chỉ là điều gì đó mà chúng ta quyết định sẽ làm sau khi kết thúc các hoạt động khác trong ngày như làm việc, đi học, làm vườn, xem TV, ngủ..? Ví dụ của Chúa Giê-xu, cũng như các ký thuật khác trong Kinh Thánh về sự cầu nguyện khích lệ chúng ta đặt sự cầu nguyện làm ưu tiên hàng đầu trong đời sống.

Vì vậy, thay vì để thời gian cho những hoạt động khác và sau đó dùng thời gian còn lại (nếu có) để cầu nguyện, thì tốt hơn hết nên dành thời gian trước nhất để cầu nguyện và sau đó mới đến các hoạt động khác.

2. Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Mác 1:35

Một ký thuật khác dạy dỗ về sự cầu nguyện của Chúa Giê-xu được chép trong Mác 1:35. Một lần nữa điều quan trọng đó là xem xét bối cảnh của bản văn. Bắt đầu từ câu 21, chúng ta thấy Chúa Giê-xu dạy dỗ trong nhà hội tại Ca-bê-na-um nơi mà Ngài cũng đã đuổi quỷ (câu 23-27). Kết quả là, "Danh tiếng Đức Chúa Jêsus tức thì đồn ra khắp cả miền xung quanh xứ Ga-li-lê." (câu 28). Sau khi ra khỏi nhà hội, Chúa đi đến nhà của Si-môn và Anh-rê để chữa bệnh cho mẹ vợ của Si-môn (câu 30-31). Cuối cùng:

Mác 1:32-34
"Đến chiều, mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ bịnh và kẻ bị quỉ ám đến cùng Ngài. Cả thành nhóm lại trước cửa. Ngài chữa lành nhiều kẻ đau các thứ bịnh, và đuổi nhiều quỉ, chẳng cho phép các quỉ nói ra, vì chúng nó biết Ngài."

Cũng như ký thuật trước, tại đây cũng mô tả một ngày bận rộn nữa của Chúa Giê-xu. Hơn nữa, vì Ngài dự định sẽ đến Ga-li-lê trong ngày hôm sau, và vì danh tiếng Ngài đồn ra khắp trong vùng, cho nên ngày tiếp theo đó sẽ là ngày bận rộn, thậm chí bận rộn hơn nhiều. Câu 36 và 37 đã mô tả chính xác điều gì xảy ra trong ngày hôm sau:

Mác 1:36-37
"Si-môn cùng đồng bạn đi tìm Ngài. Khi kiếm được thì thưa rằng: "Hết thảy đang tìm thầy."

Mọi người đang tìm kiếm Chúa. Điều này có nghĩa là ngày mới bắt đầu đó sẽ rất bận rộn. Thật sự, khi vừa mới trải qua một ngày bận rộn và biết rằng ngày hôm sau cũng sẽ là ngày bận rộn nữa, thì bao nhiêu người trong chúng ta sẽ thức dậy sớm để cầu nguyện? và nếu người nào đó làm như vậy, có phải chăng người đó cho rằng sự cầu nguyện là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của họ? Chúng ta hãy xem ai thật sự đã đặt sự cầu nguyện làm ưu tiên hàng đầu. Người đó là ai? Đó là Chúa Giê-xu

Mác 1:35
"Sáng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó."

Chúa Giê-xu biết rằng một ngày bận rộn nữa sẽ đến và Ngài sẽ không có nhiều thời gian để cầu nguyện. Ngài đã làm gì? Ngài THỨC DẬY SỚM để cầu nguyện. Có phải đây là cách tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới không? Có phải đây là cách tuyệt vời để bạn bắt đầu một ngày thậm chí rất bận rộn? Thay vì bắt đầu một ngày của bạn với suy nghĩ về những áp lực và yêu cầu, bạn có thể bắt đầu bằng việc thảo luận những áp lực và yêu cầu đó với Cha của mình, và sau đó, trong suốt cả ngày, bạn sẽ vui mừng chứng kiến quyền năng giải cứu của Chúa khi Ngài trả lời cầu nguyện và sắp đặt mọi vấn đề trong ngày đó cho bạn. Nhưng để làm được điều đó, bạn phải tin vào Lời của Đức Chúa Trời nói về tầm quan trọng của sự cầu nguyện và những gì Đức Chúa Trời có thể làm qua sự cầu nguyện, đến nỗi khiến bạn quyết định thức dậy sớm để cầu nguyện. Chúa Giê-xu không thức dậy vì Ngài phải thức. Nhưng Ngài quyết định thức dậy bởi vì sự cầu nguyện là việc ưu tiên và quan trọng đối với Chúa. Vì vậy, một lần nữa, sự cầu nguyện là vấn đề thứ tự ưu tiên chứ không phải là vấn đề thời gian.

Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Ma-thi-ơ 14:23

Một ký thuật khác trong Ma-thi-ơ chương mười bốn cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu cầu nguyện. Một lần nữa điều quan trọng đó là xem xét bối cảnh của bản văn. Lần này, một ngày mới bắt đầu không chỉ là bận rộn mà còn rất buồn đối với Chúa Giê-xu vì đó là ngày mà Ngài nghe tin Giăng Báp-tít bị chém đầu (Xem câu 1-11). Và trong Ma-thi-ơ 14:12, chúng ta thấy:

"Đoạn, các môn đồ của Giăng đến, lấy xác mà chôn, rồi đi báo tin cho Đức Chúa Jêsus."

Trước khi chúng ta tiếp tục, bạn cảm thấy như thế nào nếu bạn nghe tin về người em họ của mình, là người dám đứng về phía bạn và trung thực với bạn, bị giết trong một tình huống khủng khiếp? Tôi nghĩ rằng bạn sẽ cảm thấy rất buồn và muốn ở một mình. Đó cũng là điều Chúa Giê-xu muốn:

Ma-thi-ơ 14:13
"Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẻ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài."

Sự lánh mặt ra nơi vắng vẻ không phải là điều gì đã sắp đặt trước, vì nó xảy ra "khi Chúa Giê-xu nghe tin về những gì đã xảy ra." Rõ ràng, Chúa Giê-xu muốn có một chút yên tĩnh sau cú sốc về tin tức đau buồn này. Tuy nhiên, Ngài không ở đó mãi. Sau một lúc, Chúa ra khỏi nơi vắng vẻ và Ngài thấy một đoàn dân đông đang chờ. Khi Ngài thấy đoàn dân đông đúc, "động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành." (Ma-thi-ơ 14:14). Thực tế, Ngài không những chữa lành những kẻ bịnh mà còn cho họ ăn một cách lạ lùng (Ma-thi-ơ 14:15-21). Sau đó Ma-thi-ơ 14:22 kể lại điều xảy ra sau khi ăn:

"Kế đó, Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia, trong khi Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi"

Chữ "liền" liên kết với sự kiện hóa bánh cho đoàn dân và nó có nghĩa là ngay sau khi đoàn dân ăn xong, Chúa Giê-xu liền thúc giục môn đồ xuống thuyền. Hãy xem chữ "thúc giục" Động từ này trong tiếng Hy-lạp ở thì quá khứ là "anagkazo" sử dụng 9 lần trong Tân Ước và có nghĩa là "thúc giục người khác làm công việc gì mà họ có thể không muốn làm" (cũng xem: "Từ điển Ngữ Vựng Tân Ước Vine"). Vậy, theo phân đoạn trên, Chúa Giê-xu thúc giục các môn đồ xuống thuyền. Có lẽ họ chưa muốn đi. Nhưng Ngài không muốn nói gì thêm. Ngài thúc giục họ phải đi. Sau đó, Ngài cho đám đông ra về. Chúng ta có thể hỏi tại sao Chúa thúc giục các môn đồ phải rời đi? Ngài có dự định làm gì sau khi giải tán đám đông? Câu trả lời trong câu 23:

Ma-thi-ơ 14:23
"Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình."

Lý do mà Ngài không cho phép các môn đồ ở lại nhưng thúc giục họ xuống thuyền và đi đó là vì Ngài muốn ở một mình và CẦU NGUYỆN. Chúng ta thấy sự cầu nguyện quan trọng đối với Chúa Giê-xu là dường nào. Vì sự cầu nguyện, Ngài sẵn sàng thức dậy sớm, rút lui khỏi đám đông, thúc giục môn đồ rời đi. Điều đó có cho thấy rằng cầu nguyện là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của Ngài hay không? Tôi tin là có. Ước mong chúng ta sẽ xem những ký thuật này và tin những gì Lời Chúa dạy về tầm quan trọng của sự cầu nguyện để chúng ta cũng đặt nó làm ưu tiên trong đời sống của chúng ta.

Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Lu-ca 6:12-13

Một ký thuật khác ghi lại sự cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Lu-ca 6. Lần này, sự tập trung không phải là tìm kiếm thời gian để cầu nguyện nhưng là về chủ đề của lời cầu nguyện. Mặc dầu ký thuật không ghi rõ chủ đề này nhưng nó có thể dễ dàng thấy từ bối cảnh:

Lu-ca 6:12-13
"Trong lúc đó, Đức Chúa Jêsus đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời. Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ."

Ngài cầu nguyện thâu đêm. Dù Kinh Thánh không nói đến Ngài cầu nguyện điều gì, nhưng nói rằng vào buổi sáng hôm sau Ngài đã đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất trong chức vụ của mình: chọn mười hai sứ đồ." Vì vậy, có lẽ một trong những chủ đề chính của lời cầu nguyện trong đêm đó, có thể là vì sự lựa chọn này. Câu hỏi tại đây đó là: nếu Chúa Giê-xu cần phải cầu nguyện trước khi Ngài quyết định và lựa chọn, bạn có nghĩ rằng chúng ta nên cầu nguyện trước khi quyết định điều gì không? Thật sự như vậy, tại sao chúng ta đưa ra nhiều quyết định bằng tâm trí hạn hẹp với năm giác quan mà không đến với Đức Chúa Trời và cầu hỏi sự hướng dẫn và bày tỏ sự lựa chọn tốt nhất của Ngài cho chúng ta? Ngài biết sự lựa chọn tốt nhất, Ngài sẵn sàng bày tỏ cho chúng ta biết sự lựa chọn đó và Ngài có cách để bày tỏ nó cho chúng ta qua Thánh Linh của Ngài. Vì vậy, câu hỏi không phải là liệu Đức Chúa Trời có sẵn sàng giúp đỡ chúng ta hay không. Nhưng câu hỏi thật sự đó là: chúng ta có chọn Ngài là Đấng Khuyên Bảo và đến với Ngài qua sự cầu nguyện hay không mà thôi?

Điều tương tự cũng đối với những vấn đề liên quan đến sự phục vụ Đức Chúa Trời. Chúng ta không cần phải lo lắng về việc phục sự Đức Chúa Trời như thế nào và làm gì cho Ngài. Chúng ta không cần phải tra tấn tâm trí nhỏ bé của mình để quyết định những thứ thuộc về CHÚA. Ngài là Đấng chịu trách nhiệm cho chúng ta biết phải làm gì và làm nó như thế nào. Một số điều này được Kinh Thánh đề cập đến. Vậy Kinh Thánh muốn chúng ta phải yêu thương, cầu nguyện, chăm sóc và bày tỏ chính mình được Đức Chúa Trời chấp nhận v.v. cho nên bạn không cần Đức Chúa Trời phải nói riêng cho bạn biết bạn cần cầu nguyện điều gì. Ngài đã nói điều đó trong Lời của Ngài rồi. Tương tự như vậy, bạn cũng không cần Đức Chúa Trời phải nói riêng cho bạn biết bạn phải yêu thương. Ngài đã nói điều đó trong Lời của Ngài rồi. Tuy nhiên, bạn cần sự hướng dẫn của Ngài nếu trong trường hợp bạn phải đi đây đó để làm công việc của Ngài. Trong trường hợp như vậy, trước khi quyết định điều gì, bạn hãy cầu nguyện và xem Đức Chúa Trời muốn gì. Có thể Ngài muốn bạn đi một nơi nào khác. Có thể Ngài muốn bạn làm một điều gì khác. Đó là công việc của Ngài và Ngài là ông CHỦ.

Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Ma-thi-ơ 26:36-44

Chúng ta hãy tiếp tục xem xét một ví dụ nữa về phân đoạn nổi tiếng trong Ma-thi-ơ 26:36-44. Điều mà chúng ta sẽ xem xét xảy ra ngay trước khi Chúa Giê-xu bị bắt và cuối cùng bị đóng đinh. Câu chuyện bắt đầu từ câu 36:

Ma-thi-ơ 26:36-38
"Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta."

Lý do mà Chúa Giê-xu buồn bực và sầu não là vì Ngài biết những gì sắp xảy ra. Thực ra, đây là thời điểm rất khó khăn và cũng là thời khắc quan trọng cho tất cả chúng ta vì kế hoạch cứu rỗi chúng ta phụ thuộc vào sự hy sinh và sống lại của Ngài. Nhưng Chúa Giê-xu quyết định đối diện với khủng hoảng này như thế nào? Những câu tiếp theo cho chúng ta sự trả lời:

Ma-thi-ơ 26:39-44
"Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha. Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được? Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên. Ngài trở lại nữa, thì thấy môn đồ còn ngủ; vì mắt họ đã đừ quá rồi. Đoạn, Ngài bỏ mà lại đi cầu nguyện lần thứ ba, và lặp xin như lời trước."

Chúa Giê-xu cầu hỏi Cha mình, liệu có con đường nào khác mà Ngài có thể hoàn thành sự cứu rỗi cho con người mà không phải trải qua thử thách mà Ngài sẽ chịu. Chúa đã cầu nguyện về điều đó. Thực tế Ngài cầu nguyện đến ba lần. Thật hữu ích khi để ý đến thái độ cầu nguyện của Ngài. Như chúng ta thấy, Ngài bày tỏ mong ước mình với Đức Chúa Trời ("xin cất chén này khỏi con") NHƯNG cùng lúc Ngài cầu xin ý muốn của Đức Chúa Trời được nên ("Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha."). Điều quan trọng ở đây đó là thỉnh thoảng chúng ta nghĩ rằng bởi vì chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời điều gì, thì Ngài bắt buộc phải làm điều đó và không những thế chúng ta còn muốn Ngài làm điều đó trong thời điểm và trong cách thức mà chúng ta muốn. Đức Chúa Trời sẽ trả lời cho chúng ta chỉ khi chúng ta cầu xin theo ý muốn của Ngài. Trong Kinh Thánh có ghi lại một số sự dạy dỗ cụ thể cho thấy điều gì là ý muốn Chúa và điều gì là không phải. Mặt khác, có nhiều điều khác đối với mỗi người mà Kinh Thánh không nói đến lời hứa cụ thể. Ví dụ, chúng ta cầu xin rằng con muốn có chiếc xe hơi như thế này thế kia. Kinh Thánh không chứa đựng những lời hứa cho tôi về ý muốn của Đức Chúa Trời cho chiếc xe đó hay không. Vì vậy, có đúng không khi công bố chiếc xe đó là của tôi? Dĩ nhiên là không, ngoài trừ trường hợp nếu Đức Chúa Trời bày tỏ đặc biệt nó sẽ là của tôi. Có đúng không khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời và nói cho Ngài biết về ước muốn của tôi? Dĩ nhiên là đúng! Có đúng không khi cầu xin Ngài bày tỏ cho tôi biết chiếc xe đó có tốt cho tôi hay không? Dĩ nhiên là đúng! Tôi có nên tin Lời Chúa nói rằng Ý MUỐN CỦA CHÚA là "tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn" (Rô-ma 12:2) và "Ngài sẽ chăm sóc chúng ta" (2 Phi-e-rơ 2:7) và vì vậy tôi sẽ trình dâng những mong ước của tôi cho Chúa, dù đó là điều gì? Dĩ nhiên là đúng! Đây là những gì Chúa Giê-xu đã làm. Những gì Ngài cầu xin không thể xảy ra. Hãy xem dù đó là một ao ước "xin cất chén này khỏi con," nhưng Chúa vẫn có một ao ước lớn hơn đó là ý muốn của Đức Chúa Trời được nên. Ngài nói rằng "Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha." Điều đó không dạy dỗ chúng ta sao? Điều đó há không phải nói với chúng rằng ngoài những ao ước mà chúng ta có thể trình dâng lên cho Chúa, chúng ta cũng nên có một ước muốn lớn hơn đó là ý muốn "tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn" của Đức Chúa Trời được nên. Hoàn toàn đúng như vậy!

Trở lại với câu chuyện của Chúa Giê-xu, mặc dầu lời cầu nguyện của Ngài không thể thực hiện, điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời không tôn trọng lời cầu xin của Ngài. Phúc âm Lu-ca thêm một vài chi tiết:

Lu-ca 10:41-43
"Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi! Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài.

Đức Chúa Trời sai thiên sứ thêm sức để Ngài có thể làm được mong ước tốt nhất đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đôi khi chúng ta có thể thấy rằng những ước muốn cá nhân của chúng ta không phù hợp với ý muốn "tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn" của Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:2) Nếu ước ao lớn nhất của chúng ta đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm sức để chúng ta làm được. Trong trường hợp của Chúa Giê-xu, Ngài được thêm sức bởi sự cầu nguyện trước khi bị bắt.

Giăng 18:3-11
"Vậy, Giu-đa lãnh một cơ binh cùng những kẻ bởi các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si sai đến, cầm đèn đuốc khí giới vào nơi đó. Đức Chúa Jêsus biết mọi điều sẽ xảy đến cho mình, bèn bước tới mà hỏi rằng: Các ngươi tìm ai? Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chính ta đây! Giu-đa là kẻ phản Ngài cũng đứng đó với họ. Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất. Ngài lại hỏi một lần nữa: Các ngươi tìm ai? Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta đã nói với các ngươi rằng chính ta đây. Vậy nếu các ngươi tìm bắt ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi. Ấy để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán: Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con. Bấy giờ, Si-môn Phi-e-rơ có một thanh gươm, bèn rút ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai bên hữu. Đầy tớ đó tên là Man-chu. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán cùng Phi-e-rơ rằng: Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao? "

Mong ước lớn nhất của Chúa Giê-xu đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài lấy ý mình đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi và bạn cũng nên làm giống như vậy. Nhưng để làm được như vậy, Ngài cầu nguyện để được thêm sức. Ngoài những điều trên, sự thêm sức bày tỏ qua phản ứng của Ngài trên những kẻ đến bắt Chúa. Dù cho Ngài phải đến khu vườn trong sự buồn bực và sầu não, phản ứng của Ngài theo ký thuật trên cho thấy Ngài đầy sự mạnh mẽ. Vì sự mạnh mẽ là điều cần thiết để đi gặp những người mà bạn biết rằng họ sẽ tra tấn bạn ngay sau đó. Một người sợ hãi sẽ cố gắng trốn thoát khỏi hoàn cảnh. Ngài có thể đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Nhưng Chúa Giê-xu không sợ hãi. Thay vì cố gắng lẫn trốn phía sau mọi người, Ngài bước ra phía trước và hỏi họ đang tìm kiếm ai. Không những làm như vậy, Ngài còn chăm lo về sự an toàn của các môn đồ mình. Hơn nữa, Ngài có tình yêu và sự bình an trong tâm trí để chữa lành tai cho người đầy tớ bị Phi-e-rơ chém đứt (Lu-ca 22:51). Nếu những điều này không bày tỏ sức mạnh của một con người thì điều nào có thể bày tỏ? Nhưng làm sao Ngài có được sức lực như vậy? Chỉ bằng sự cầu nguyện

Chúa Giê-xu và sự cầu nguyện: Kết luận:

Tất cả những điều bàn luận ở trên và cho dù còn nhiều ký thuật khác mà bạn có thể tự học hỏi, điều rõ ràng cho thấy đó là sự cầu nguyện là điều rất quan trọng trong đời sống của Chúa Giê-xu. Vì sự cầu nguyện, Ngài sẵn sàng thức dậy sớm, thúc giục các môn đồ xuống thuyền và ẩn mình khỏi đám đông. Bởi sự cầu nguyện, Ngài đã quyết định và chiến thắng những tình huống khó khăn. Ngược lại với ý tưởng chung nói rằng "hãy cầu nguyện nếu bạn có thời gian," nhưng Chúa Giê-xu tạo ra thời gian để cầu nguyện. Thay vì suy nghĩ theo cách của thế gian đó là: "hãy lựa chọn điều bạn cho là tốt nhất và làm theo điều bạn ưa thích". Nhưng Chúa đã cầu nguyện để xem điều mà Đức Chúa Trời nghĩ là tốt nhất và làm điều mà Đức Chúa Trời muốn nhất. Để kết thúc, chúng ta hãy đọc Phi-líp 4:6-7 và hãy để nó trở thành suy nghĩ của chúng ta:

Phi-líp 4:6-7
"Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ."

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Cũng xem: 1 Cô-rinh-tô 14:14-15; Ê-phê-sô 6:18; Phi-líp 4:6; Cô-lô-se 4:12; 1 Ti-mô-thê 2:1; Gia-cơ 5:13, 16:18 chưa nói đến những ghi chép trong các sách phúc âm và Cựu Ước.

2. Xee “Adam Clark’s commentary of the Bible” và “John Wesley’s explanatory notes”.