Lời sự Sống

Ê-xơ-tê và quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời (PDF) PDF



Ê-xơ-tê và quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời



Có rất nhiều chỗ trong Kinh Thánh chép về quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời. Một trong những chỗ đó là sách Ê-xơ-tê. Vì vậy tôi muốn dành thời gian trong bài viết này để xem xét cả sách và những bài học đem đến sự dạy dỗ cho chúng ta.

Ê-xơ-tê 1, 2: Bối cảnh

Những sự kiện mô tả trong sách Ê-xơ-tê xảy ra khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-by-lôn. Địa điểm xảy ra câu chuyện là Su-sơ, thành phố của vua Ba-Tư và Mê-đi, vua Ahasueru1 sinh sống. Vị vua này đang tìm kiếm cho mình người vợ mới, sau khi bỏ người vợ trước là hoàng hậu Vả-Thi2. Để tìm một người vợ mới cho nhà vua, một cuộc thi hoa hậu được tổ chức cho tất cả người nữ trên toàn vương quốc đến kinh đô Su-sơ với mục đích trở thành người điền vào chỗ trống của hoàng hậu (Ê-xơ-tê 2:1-4). Giữa những người đẹp này có Ê-xơ-tê, một thiếu nữ người Hê-bơ-rơ được nuôi dưỡng bởi Mạc-đô-chê, một trong những người bị đem đi lưu đày từ Giê-ru-sa-lem bởi vua Nê-bu-cát-nết-xa (Ê-xơ-tê 2:5-7). Cuối cùng, cô gái trẻ này, sau khi được ơn3 trước mặt Hê-gai [quan thái giám các cung phi] (Ê-xơ-tê 2:9), sau đó được ơn trước mặt mọi người thấy nàng (Ê-xơ-tê 2:15) và cuối cùng quan trọng nhất là được ơn trước mặt vua (Ê-xơ-tê 2:17), đã giành chiến thắng. Vậy, Ê-xơ-tê trở thành tân hoàng hậu. Tuy nhiên, sau đó Mạc-đô-chê dặn biểu cô không được tiết lộ rằng mình là người Do-Thái. Vì lẽ đó không có ai, thậm chí ngay cả vua, cũng không biết dân tộc tính của nàng.

Ê-xơ-tê 3: vấn đề bắt đầu

Cho đến thời điểm này mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng Ê-xơ-tê 3:1 giới thiệu về một nhân vật mới là người đem lại nhiều vấn đề to lớn. Ê-xơ-tê 3:1-6 kể cho chúng ta về nhân vật này và vấn đề ông ta gây ra:

Ê-xơ-tê 3:1-2, 5-6
"Sau các việc ấy, vua A-suê-ru thăng chức cho Ha-man, con trai của Ham-mê-đa-tha, người A-gát, và làm nổi danh người, đặt ngôi người trên các quan trưởng ở cung vua. Hết thảy thần bộc ở tại nơi cửa vua đều cúi xuống lạy Ha-man; vì về phần người, vua đã truyền bảo như vậy. Nhưng Mạc-đô-chê không cúi xuống, cũng không lạy người. ......... Khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê không cúi xuống và không lạy mình bèn nổi giận dữ. Người ta đã học cho Ha-man biết Mạc-đô-chê là người Giu-đa, nên người cho sự tra tay trên một mình Mạc-đô-chê là một sự nhỏ mọn, người bèn tìm mưu giết hết thảy dân Giu-đa, là tông tộc của Mạc-đô-chê, ở trong toàn nước A-suê-ru."

Từ phần cuối của phân đoạn này, có vẻ như chúng ta đang bắt đầu một vấn đề rất lớn. Ha-man, người được nhà vua thăng chức "trên tất cả các quan trưởng trong cung vua", có nghĩa là người đứng thứ hai trong vương quốc, rất giận dữ với Mạc-đô-chê bởi vì ông không chịu cúi đầu chào người. Chính vì lý do này, Ha-man muốn hủy diệt cả dân tộc của Mạc-đô-chê, đó là tất cả người Do-Thái. Mặc dầu Ha-man rõ ràng giận dữ đến nỗi muốn hủy diệt cả dân tộc bởi vì một người không chịu lạy ông, tuy nhiên có nhiều sự suy gẫm thuộc linh về hành động này hơn là chỉ nhìn thoáng qua. Thực tế, vì vương quốc vĩ đại mà Ha-man là người có vị thứ hai, trải rộng từ Ấn Độ đến Ê-thi-ô-pi (Ê-xơ-tê 1:1) chúng ta có thể tưởng tượng xem không có một người Do-Thái nào có thể sống sót nếu Ha-man hoàn thành ý đồ của mình. Nếu điều này xảy ra, câu hỏi đó là làm thế nào Đấng Christ được sanh ra? Đức Chúa Trời đã hứa lúc ban đầu với Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:7 và Ga-la-ti 3:16) và sau này với Đa-vít (Thi Thiên 132:11-13 và Công Vụ 2:30) rằng Ngài sẽ sai Đấng Christ đến. Tuy nhiên, nếu ác ý của Ha-man trở thành sự thật thì không lời hứa nào về Chúa Giê-xu Christ có thể được ứng nghiệm và kế hoạch của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi sẽ thất bại. Vì vậy, ý đồ của Ha-man không đơn giản là hoang tưởng nhưng hoàn toàn rất quỷ quyệt. Chính Quỷ Sứ đang hành động đằng sau Ha-man, cố tình làm thất bại sự hiện đến của Đấng Christ bằng cách hủy diệt cả dân sự của Ngài, rất chính xác vì sau đó vài thế kỷ, nó đã cố gắng giết Chúa Giê-xu trước khi Ngài có thể hoàn tất sứ mạng của mình. Vì vậy, tóm lại, vấn đề thứ nhất liên quan đến những lời hứa của Đức Chúa Trời về Chúa Giê-xu Christ. Ở đây chúng ta có một người quyết định phá vỡ những lời hứa đó bằng cách giết hết tất cả người Do-Thái. Câu hỏi đó là: Đức Chúa Trời sẽ có thể bảo vệ lời hứa của Ngài hay không? Nói chung: có phải những lời hứa của Đức Chúa Trời là không thể phá vỡ, hay có thể bị đổ vỡ vì ý muốn của con người, thậm chí nếu con người đó có quyền lực thứ hai trong vương quốc rộng lớn của mình?

Ở trên chúng ta đã xem xét về vấn đề nhưng vẫn chưa đề cập đến nguyên nhân của vấn đề. Thực sự, chúng ta cũng không biết tại sao Mạc-đô-chê không chịu cúi đầu trước mặt Ha-man để bày tỏ sự tôn trọng người. Trong khi đó, Ha-man đã trở thành người có quyền lực đứng thứ hai sau vua. Vậy, tại sao Mạc-đô-chê không chịu bày tỏ sự kính trọng người mà vua đã trao quyền (Ê-xơ-tê 3:11)? Có phải ông kiêu ngạo? Câu trả lời đó là không phải. Lý do mà Mạc-đô-chê không cúi đầu chào Ha-man được hiểu theo bản văn đó là Ha-man là người A-gát. Điều này có nghĩa là người từ dân A-gát, một vua của người A-ma-léc4, có nghĩa chính ông là người A-ma-léc. Điều đáng lưu ý ở đây đó là Josephus, một sử gia nổi tiếng thời Do Thái cổ xưa cũng cho rằng Ha-man là người A-ma-léc. Như vậy có điều gì sai? Điều sai ở đây đó là bởi vì dân A-ma-léc tranh chiến với dân Y-sơ-ra-ên, sau này khi giao chiến với nhau để lấy đất hứa (Xuất-Ê-Díp-Tô-Ký 17), chúng chính là kẻ thù mà Đức Chúa Trời đã tuyên bố. Xuất-Ê-Díp-Tô-Ký 17:14-16 nói rằng:

Xuất-Ê-Díp-Tô-Ký 17:14-16
"Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ niệm về A-ma-léc trong thiên hạ. Môi-se lập lên một bàn thờ, đặt tên là "Giê-hô-va cờ xí của tôi"; và nói rằng: Bởi vì A-ma-léc có giơ tay lên nghịch cùng ngôi Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va chinh chiến với A-ma-léc từ đời nầy qua đời kia."

Vì vậy Ha-man, là người A-ma-léc, một trong những kẻ thù của Đức Chúa Trời trong chiến trận. Vậy Mạc-đô-chê có hai lựa chọn: i) tôn trọng Ha-man, kẻ thù của Đức Chúa Trời, như vậy không tôn trọng Lời của Đức Chúa Trời, hay là ii) tôn trọng lời của Đức Chúa Trời và từ chối bày tỏ sự tôn trọng đối với Ha-man. Thực sự không ai nói rằng ông đứng về phía Đức Chúa Trời khi ông không làm theo Lời của Đức Chúa Trời trong lần đầu tiên. Cách duy nhất để nhận biết Đức Chúa Trời là qua Lời của Ngài và cách duy nhất chọn đứng về phía Đức Chúa Trời là quyết định làm theo những gì Ngài phán. Mạc-đô-chê đã quyết định làm theo Lời của Đức Chúa Trời và không bày tỏ sự tôn trọng bằng cách không cúi xuống trước kẻ thù của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, ông quyết định chọn đứng về phía Đức Chúa Trời, dù có thế nào! Điều gì xảy ra tiếp theo? Đức Chúa Trời đã làm gì trong tình huống này? Chúng ta hãy đọc tiếp.

3. Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê

Sau khi Ha-man quyết định hủy diệt tất cả người Do-Thái, hắn cần phải ấn định một thời điểm cùng với sự cho phép của vua. Ê-xơ-tê 3 kể rằng người định ngày 13 tháng 12 (Ê-xơ-tê 3:13) và sau khi giả mạo rằng dân Do-Thái không giữ luật pháp của vua (vì họ có luật pháp của Đức Chúa Trời) và sau đó người dâng cho vua một số tiền lớn (10.000 ta-lâng bạc), cuối cùng hắn cũng có được sự chuẩn bị của vua cho kế hoạch của mình (Ê-xơ-tê 3:8-10). Sắc lệnh liên quan đến sự hủy diệt dân Do-Thái được chính Ha-man chỉ đạo, và gởi đi khắp các vua trong các tỉnh khiến gây nên sự sầu não cho tất cả người Do-Thái (Ê-xơ-tê 3:12-15; 4:3). Chính Mạc-đô-chê cũng rất buồn rầu "bèn xé áo mình, mặc một cái bao và phủ tro, rồi đi ra giữa thành, lấy tiếng lớn kêu khóc cách cay đắng." (Ê-xơ-tê 4:1). Ê-xơ-tê vẫn không biết gì về sắc lệnh, cũng buồn vì nghe tin rằng Mạc-đô-chê, cha nuôi mình rất buồn rầu, và đã sai tôi tớ đi tìm xem lý do là gì (Ê-xơ tê 4:4-6). Qua tôi tớ này, Mạc-đô-chê đã bày tỏ hết những gì đã xảy ra, yêu cầu nàng gặp nhà vua và vì dân sự mình mà nài xin vua (Ê-xơ-tê 4:7-9). Như chúng ta nhớ, Ê-xơ-tê đang làm hoàng hậu, không phải là vị trí nhỏ trong vương quốc. Tuy nhiên, lúc đầu người lưỡng lự không muốn làm điều Mạc-đô-chê yêu cầu, vì không ai được phép gặp vua nếu không được vua mời đến (Ê-xơ-tê 4:10-12).

Người đọc sẽ thấy rằng nếu Ê-xơ-tê, là Hoàng hậu, lưỡng lự giúp đỡ, thì không còn cơ hội nhỏ nào để Mạc-đô-chê và dân Do-Thái có thể thoát khỏi cơn thạnh nộ của Ha-man. Tuy nhiên, sự việc không phải như vậy. Mặc dầu Ê-xơ-tê tỏ ra lưỡng lự, nhưng những lời hứa của Đức Chúa Trời mà Mạc-đô-chê nắm giữ không phụ thuộc vào Ê-xơ-tê nhưng phụ thuộc vào Đức Chúa Trời. Ngài phải chịu trách nhiệm mở một lối thoát. Chắc chắn rằng Ê-xơ-tê đang có một cơ hội rất tốt và đó là lý do tại sao Mạc-đô-chê yêu cầu bà phải hành động. Nhưng điều mà Mạc-đô-chê yêu cầu bà giúp đỡ không có nghĩa là ông tin cậy nơi bà mà không tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Xem sự trả lời của người đối với sự lưỡng lự của Ê-xơ-tê:

Ê-xơ-tê 4:13-14
"Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, người sẽ được thoát khỏi phải hơn mọi người Giu-đa khác; vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?"

Mạc-đô-chê tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Câu hỏi trong vế thứ hai cho thấy ông nhận biết rằng chính Đức Chúa Trời đã đem Ê-xơ-tê vào trong vương quốc vì thời điểm khó khăn này. Đó là lý do tại sao ông yêu cầu bà giúp đỡ. Tuy nhiên, khi ông thấy bà lưỡng lự, ông nói với bà rằng cho dù bà không giúp đỡ, Đức Chúa Trời có thể giải cứu người Do-Thái "bằng cách khác." Đức tin của Mạc-đô-chê nơi Đức Chúa Trời thật đáng ngạc nhiên.

Bài học này cho thấy chúng ta cũng nên tin cậy Đức Chúa Trời chứ không phải con người. Giê-rê-mi 17:5-8 nói trước về điều sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt lòng tin mình nơi con người và người gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời.

Giê-rê-mi 17:5-8
Đức Giê-hô-va phán như vầy: "Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt."

Một bên chúng ta có con người tin cậy nơi loài người và xa cách Đức Giê-hô-va còn bên kia chúng ta có con người tin cậy Đức Chúa Trời. Người kia như một bụi cây nơi sa mạc và người này như cây trồng gần dòng nước. Bụi cây sống giữa đồng vắng còn cây này sống bên bờ sông, đầy sự sống.

Trở lại với Mạc-đô-chê, câu trả lời của ông thay đổi suy nghĩ của Ê-xơ-tê:

Ê-xơ-tê 4:15-17
"Bà Ê-xơ-tê bèn biểu đáp lại cùng Mạc-đô-chê rằng: Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết. Mạc-đô-chê bèn đi, và làm theo mọi điều bà Ê-xơ-tê đã dặn biểu mình."

Sau ba ngày, Ê-xơ-tê cuối cùng đã vào gặp vua. Theo Ê-xơ-tê 4:11, bà có thể phải chết nếu tự ý đến gặp vua trừ khi nếu Vua giơ cây phủ việt vàng ra. Câu 2 cho chúng ta thấy điều đã xảy ra:

Ê-xơ-tê 5: 2
"Vừa khi vua thấy hoàng hậu Ê-xơ-tê đứng chầu nơi nội viện, thì bà được ơn trước mặt vua; vua giơ ra cho bà Ê-xơ-tê cây phủ việt vàng ở nơi tay mình. Bà Ê-xơ-tê lại gần và rờ đầu cây phủ việt."

Trong suốt cuộc tranh tài, Đức Chúa Trời đã khiến Ê-xơ-tê được ơn trước mặt vua và chọn làm hoàng hậu (Ê-xơ-tê 2:17), chỉ dành cho thời điểm khó khăn này (Ê-xơ-tê 4:14). Bây giờ, khi thời điểm đã đến, Đức Chúa Trời một lần nữa khiến Ê-xơ-tê được ơn trước mặt vua và bà không phải chết vì đã đến cung vua mà không được mời. Trong lần viếng thăm này, Ê-xơ-tê mời nhà vua và Ha-man đến dự tiệc mà bà sẽ chuẩn bị cho họ vào buổi chiều hôm đó. Khi họ đến đó, một bữa tiệc khác được sắp đặt cho buổi chiều hôm sau (Ê-xơ-tê 5:3-8). Như chúng ta thấy, thời điểm từ bữa tiệc này đến bữa tiệc khác thực sự rất quan trọng.

Ê-xơ-tê 5-8: Sự giải cứu

Lời mời của hoàng hậu đến bữa tiệc ngày hôm sau khiến Ha-man rất đỗi vui mừng (Ê-xơ-tê 5:9) vì dĩ nhiên đó là điều vô cùng quý giá khi được yến tiệc với nhà vua và hoàng hậu. Tuy nhiên, niềm vui đó trở thành sự giận dữ khi tại cửa đền vua, người thấy Mạc-đô-chê, "Nhưng khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê ở nơi cửa vua không đứng dậy, cũng không chuyển động vì mình, bèn đầy dẫy lòng giận dữ Mạc-đô-chê." (Ê-xơ-tê 5:9). Rõ ràng, dù hoàn cảnh có nghiêm trọng thế nào, Mạc-đô-chê cũng không từ bỏ và không cúi chào Ha-man. Ông tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời và Lời của Ngài. Ông tiếp tục tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông và cả dân sự. Tuy nhiên, sự thạnh nộ của Ha-man trở nên dữ dội hơn. Khi người trở về nhà, ngoài niềm vui vì lời mời của hoàng hậu, ông cũng bày tỏ cho vợ và bạn mình biết sự tức giận đối với Mạc-đô-chê là thế nào. Vì vậy, vợ và các bạn ông đề nghị:

Ê-xơ-tê 5:14
"Xê-rết, vợ người, và các bạn hữu người đều nói rằng: Hãy biểu dựng một mộc hình, cao năm mươi thước; rồi sớm mai, hãy cầu vua khiến cho người ta treo Mạc-đô-chê tại đó; đoạn ông hãy khoái lạc đi dự yến tiệc cùng vua. Điều đó lấy làm đẹp lòng Ha-man; người bèn truyền dựng cây mộc hình."

Mọi thứ dường như trở nên tệ hại cho Mạc-đô-chê. Ha-man cũng không chịu nỗi đến ngày đã định để hủy diệt dân Do-Thái, để thấy người chết. Ông muốn điều đó xảy ra sớm hơn và thật tế là trong sáng hôm sau!! Rõ ràng, nếu Đức Chúa Trời muốn giải cứu Mạc-đô-chê Ngài phải làm gì trong đêm đó! Và đây là những gì Ngài đã làm:

Ê-xơ-tê 6:1-3
"Đêm đó, vua không ngủ được; nên truyền đem sách sử ký, đọc tại trước mặt vua. Người ta thấy có chép rằng Mạc-đô-chê đã tỏ ra mưu của Bích-than và Thê-rết, hai hoạn quan của vua, trong bọn kẻ giữ cửa, toan tra tay vào vua A-suê-ru. Vua nói: Vì công sự ấy, Mạc-đô-chê có được sự vinh hiển và tước vị gì chăng? Các người cận thần của vua đáp rằng: "Người chẳng được chi hết."

Mạc-đô-chê, một thời gian sau khi Ê-xơ-tê trở thành hoàng hậu và trước khi Ha-man được thăng chức trở thành người quyền lực sau vua, đã bảo vệ vua chống lại âm mưu lật đổ, bởi hai người giữ cửa là Bích-than và Thê-rết (Ê-xơ-tê 2:21-23). Mặc dầu điều này được chép trong sử ký, trong nhật ký của nhà vua, nhưng Mạc-đô-chê chưa nhận được sự tôn trọng nào. Tuy nhiên, đây không phải là tình cờ vì bởi chính sự thiếu sót này mà Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông, chính thời điểm mà ông cần nhất. Vì vậy, chính đêm đó là đêm cuối cùng của Mạc-đô-chê, "nhà vua không ngủ được." Dù không nói ra, nhưng kết quả sẽ chỉ cho thấy điều này được Đức Chúa Trời kế hoạch để ông có thể thức và làm những việc sau5. Điều thứ nhất đó là yêu cầu đem sách sử ký ra. Như chúng ta biết, quyển sách này cũng chứa đựng những ghi chép về hành động của Mạc-đô-chê. Tuy nhiên, đây không phải là chỗ ghi chép duy nhất trong quyển sách. Ngược lại, một quyển sách nhật ký như thế này, có thể sẽ có hàng trăm câu chuyện. Tuy nhiên, trong đêm đó, chỉ có một câu chuyện cần phải được đọc và thật vậy chính câu chuyện này đã được đọc lên. Không phải câu chuyện nào khác hơn đó là câu chuyện về Mạc-đô-chê và điều tốt lành mà ông đã làm cho nhà vua, vì điều đó mà ông vẫn chưa nhận lãnh sự tôn trọng nào!! Sau khi nhà vua nghe câu chuyện và Mạc-đô-chê vẫn chưa được tôn trọng, hãy đoán xem điều gì xảy ra? Ông quyết định tôn vinh Mạc-đô-chê ngày hôm sau!! Vì vậy khi bình minh đến, Ha-man ra mắt nhà vua yêu cầu treo cổ Mạc-đô-chê, nhưng điều buồn bất ngờ đang chờ đợi ông:

Ê-xơ-tê 6:4-9
"Vua hỏi: Ai ở nơi viện trung?" Vả, Ha-man đến ngoài viện của cung vua, đặng cầu vua truyền treo Mạc-đô-chê nơi mộc hình, mà người đã dựng cho Mạc-đô-chê. Các thần bộc của vua thưa rằng: Kìa, Ha-man đứng nơi viện trung. Vua bèn nói: Người hãy vào. Ha-man bèn vào. Vua nói với người rằng: Phải làm chi cho người nào vua muốn tôn trọng? Ha-man nghĩ thầm rằng: Vua há muốn tôn trọng người nào khác hơn ta sao? Vậy, Ha-man bèn tâu rằng: Hễ người nào vua muốn tôn trọng, khá đem cho áo triều của vua mặc, ngựa của vua cỡi, và đội mão triều thiên vua trên đầu người đó; áo triều và ngựa thì hãy giao vào tay của một triều thần tối tôn của vua, để mặc cho người mà vua muốn tôn trọng, dẫn người cỡi ngựa dạo chơi các đường phố của thành nội, và la lên rằng: "Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy!"

Ha-man nói tất cả những điều này, suy nghĩ rằng chính mình là người nhà vua muốn tôn trọng. NHƯNG ....................

Ê-xơ-tê 6:10-12
"Vua nói với Ha-man rằng: Hãy mau mau đem áo triều và ngựa, y như lời ngươi nói, mà mặc cho Mạc-đô-chê, người Giu-đa, đang ngồi tại nơi cửa vua; chớ bỏ qua gì hết về mọi điều người đã nói. Ha-man bèn lấy áo triều và ngựa, mặc cho Mạc-đô-chê, rồi dẫn người cỡi ngựa dạo qua các đường phố của thành nội, mà hô lên trước mặt người rằng: Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy! Đoạn, Mạc-đô-chê trở về cửa vua. Còn Ha-man lật đật trở về nhà mình, thảm buồn và trùm đầu lại."

Bạn còn nhớ câu chuyện bắt đầu như thế nào không? Câu chuyện bắt đầu với Mạc-đô-chê tại cửa vua và ông KHÓC THAN vì điều ác mà Ha-man đã kế hoạch chống lại ông va cả dân tộc. Nhưng giờ đây hãy xem nó kết thúc thế nào: nó cũng kết thúc với Mạc-đô-chê, người tin cậy nơi Đức Chúa Trời, cỡi ngựa của vua và mặc áo choàng của vua, và với Ha-man, vẫn là người quyền lực nhất sau vua, tuyên bố trước mặt người và trở về nhà mình "khóc lóc"!! Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc tại đây. Vẫn còn nhiều điều xảy ra trong bữa tiệc với hoàng hậu. Trong suốt bữa tiệc Ê-xơ-tê đã tiết lộ cho nhà vua dân tính của mình và rằng Ha-man đã lên kế hoạch giết bà cùng cả dân tộc. Khi nhà vua nghe tin này, người trở nên giận dữ (Ê-xơ-tê 7:7-8), và khi vua chúa lúc bấy giờ giận dữ với người nào, ngoại trừ người đó có Đức Chúa Trời trước mặt, thì số phận của người kia cũng rất mong manh! Điều này cũng đúng trong trường hợp của Ha-man, người đã dựng cây mộc hình cuối cùng sử dụng cho chính mình.

Ê-xơ-tê 7:9-10
"Hạt-bô-na, một hoạn quan chầu chực vua, rằng: Kìa, cây mộc hình, cao năm mươi thước, mà Ha-man đã sắm dựng tại trong nhà mình cho Mạc-đô-chê, là người đã nói trung tín để cứu vua. Vua rằng: Hãy treo nó lên đó! Người ta bèn treo Ha-man nơi mộc hình mà hắn đã dựng lên cho Mạc-đô-chê. Rồi cơn giận vua bèn nguôi đi.

Rõ ràng, vai trò của Mạc-đô-chê và Ha-man là trái ngược nhau. Ha-man, vị tể tướng quyền lực thứ hai cũng là người lên kế hoạch hủy diệt cả dân Do-Thái và định treo cổ Mạc-đô-chê, kết thúc vì bị treo trên chính cây mộc hình đã chuẩn bị sẵn cho Mạc-đô-chê. Hơn nữa, trong câu cuối của sách Ê-xơ-tê (Ê-xơ-tê 10:3) nói rằng, Mạc-đô-chê, người tin cậy nơi Đức Chúa Trời, trở thành "người thứ hai sau vua A-suê-ru," nói cách khác, người được thăng chức tể tướng thay thế cho Ha-man!! Cuối cùng dù ngày mười ba tháng mười hai đã ấn định là ngày người Do-Thái phải bị hủy diệt, nhà vua không chỉ hủy bỏ sắc lệnh này mà còn làm NGƯỢC LẠI. Theo sắc lệnh mới:

Ê-xơ-tê 8:11-12
"Chiếu chỉ ấy tỏ rằng vua ban phép cho dân Giu-đa ở trong các tỉnh các thành của nước A-suê-ru hiệp lại nội trong một ngày, là ngày mười ba tháng mười hai, tức là tháng A-đa, đặng binh vực sanh mạng mình, tuyệt diệt, đánh giết, và làm cho hư mất quyền năng của dân cừu địch toan hãm hiếp mình, vợ và con cái mình, cùng cho phép đoạt lấy tài sản của chúng nó."

Thật sự, chúng ta có một Đức Chúa Trời vĩ đại như thế nào! Mạc-đô-chê người tin cậy Đức Chúa Trời, bắt đầu với sự than khóc, và bị Ha-man đe dọa treo cổ, nhưng cuối cùng kết thúc, vinh hiển bởi chính kẻ thù của mình, và thay thế vị trí đó làm người quyền lực thứ hai sau vua. Cũng như vậy, người Do-Thái bắt đầu với sự "khóc lóc và buồn rầu" (Ê-xơ-tê 4:3) và họ kết thúc trong tiệc vui mừng (Ê-xơ-tê 8:17) và kẻ thù bị hủy diệt (Ê-xơ-tê 9:1).

Trái lại, Ha-man, con người nhờ cậy sức lực riêng của mình, bắt đầu là người quyền lực thứ hai sau vua, vui mừng và chuẩn bị treo cổ Mạc-đô-chê, nhưng cuối cùng khóc lóc và hậu quả là bị treo trên chính cây mộc hình mà người đã dựng cho Mạc-đô-chê.

Kết luận:

Hoàn tất bài học ngắn về sách Ê-xơ-tê, chúng ta có thể nói rằng bài học này cũng giống như các bài học khác trong Lời của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời là Lời chắc chắn, Lời không thể bị phá vỡ dù cho loài người và quyền lực quỷ quyệt có thể thực hiện để chống lại. Thật vậy, những ai như Mạc-đô-chê, tin cậy nơi Chúa "sẽ không bị hổ thẹn" (Ê-sai 49:23) nhưng họ sẽ giống như "Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt." (Giê-rê-mi 17:8). Vì vậy kết luận:

Thi Thiên 37:3-7, 9, 11
"Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài. Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước. Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy. Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng, Và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ. Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài...Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp... Song người hiền từ sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp, Và được khoái lạc về bình yên dư dật."

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Tên này là chức danh (giống như Pha-ra-ôn, Char v.v.) chứ không phải là tên thật, và nó có nghĩa là "vị vua tôn kính." Theo như: Ngài Henry Rawlinson, giáo sư Sayce, Bách Khoa Toàn Thư và Tên Riêng Thế Kỳ (Xem: The Companion Bible, Kregel Publications, p. 618) cũng xem chữ "Ạc-ta-xét-xe [Artaxerxes]" (có nghĩa là "vị vua vĩ đại") và "Darius" (nghĩa là người cưu mang) xuất hiện một số lần trong Kinh Thánh chỉ về sự lưu đày qua Ba-by-lôn.

2. Xem chi tiết trong Ê-xơ-tê 1

3. Xem bài viết "Đức Chúa Trời: nguồn ân điển"

4. Về người A-gát xem thêm trong 1 Sa-mu-ên 15.

5. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là mỗi lần tôi không thể ngủ thì sẽ có lý do về tâm linh đằng sau đó!