Lời sự Sống

Sự kính sợ Đức Giê-hô-va (PDF) PDF



Sự kính sợ Đức Giê-hô-va



Tôi muốn bắt đầu bài viết này với một cách khác hơn bình thường bằng cách là trưng dẫn một số câu Kinh Thánh nói về sự kính sợ Đức Giê-hô-va và những lời hứa kèm theo. Xin hãy đọc một cách cẩn thận:

Thi Thiên 34:9
“Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính sợ Ngài; Vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết.”

Thi Thiên 34:7
“Thiên sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, Và giải cứu họ.”

Thi Thiên 112:1-2
“Ha-lê-lu-gia! Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Rất ưa thích điều răn Ngài! Con cháu người sẽ cường thạnh trên đất; Dòng dõi người ngay thẳng sẽ được phước.”

Thi Thiên 25:12
“Ai là người kính sợ Đức Giê-hô-va? Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn.”

Thi Thiên 25:14
“Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính sợ Ngài, Tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài.”

Thi Thiên 31:19
“Sự nhân từ Chúa, Mà Chúa đã dành cho người kính sợ Chúa, Và thi hành trước mặt con cái loài người Cho những kẻ nương náu mình nơi Chúa, thật lớn lao thay!”

Thi Thiên 33:18
“Kìa, mắt của Đức Giê-hô-va đoái xem người kính sợ Ngài, Cố đến người trông cậy sự nhân từ Ngài”

Thi Thiên 85:9
“ Sự cứu rỗi của Ngài thật ở gần những kẻ kính sợ Ngài, hầu cho sự vinh hiển được ở trong xứ chúng ta.”

Thi Thiên 103:11
“Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, Thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.”

Thi Thiên 103:13
“Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy”

Thi Thiên 103:17
“Song sự nhân từ Đức Giê-hô-va hằng có đời đời. Cho những người kính sợ Ngài, Và sự công bình Ngài dành cho chắt chít của họ”

Thi Thiên 111:4-5
“Ngài lập sự kỷ niệm về công việc lạ lùng của Ngài. Đức Giê-hô-va hay làm ơn và có lòng thương xót. Ban vật thực cho kẻ kính sợ Ngài, Và nhớ lại sự giao ước mình luôn luôn”

Thi Thiên 115:13
“Ngài sẽ ban phước cho những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va, Hoặc nhỏ hay lớn đều cũng vậy.”

Thi Thiên 128:1-4
“Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, Được phước, may mắn. Vợ ngươi ở trong nhà ngươi Sẽ như cây nho thạnh mậu; Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi Khác nào những chồi ô-li-ve. Kìa, người nào kính sợ Đức Giê-hô-va Sẽ được phước là như vậy. ”

Thi Thiên 145:19
“Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; Cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho.”

Châm Ngôn 10:27
“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va gia thêm ngày tháng”

Châm Ngôn 14:26
“Trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va có nơi nương cậy vững chắc; Và con cái Ngài sẽ được một nơi ẩn núp”

Châm Ngôn 14:27
“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, Đặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết.”

Châm Ngôn 15:33
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dạy dỗ điều khôn ngoan; Và sự khiêm nhượng đi trước sự tôn trọng.”

Châm Ngôn 16:6
“Nhờ sự nhân từ và chân thật tội lỗi được chuộc; Và bởi sự kính sợ Đức Giê-hô-va người ta xây bỏ điều ác.”

Châm Ngôn 19:23
“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dẫn đến sự sống, Làm cho người ta được ở thỏa nguyện, không bị tai họa lâm đến.”

Châm Ngôn 22:4
“Phần thưởng của sự khiêm nhượng và sự kính sợ Đức Giê-hô-va, Ấy là sự giàu có, sự tôn trọng, và mạng sống.”

Châm Ngôn 23:17
“Nhưng hằng ngày hãy kính sợ Đức Giê-hô-va

Truyền Đạo 8:12-13
“Vì kẻ có tội làm ác một trăm lần vẫn được trường thọ; dầu vậy, ta biết rằng kẻ kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước. Nhưng kẻ ác chẳng sẽ được phước; cũng sẽ không được sống lâu, vì đời nó giống như bóng qua; ấy tại nó không kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời.”

Truyền Đạo 12:13-14
“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.

Từ phần trình bày ở trên tôi tin chắc chúng ta đang giải quyết một chủ đề hết sức quan trọng. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là gì đến nỗi tất cả ai làm theo đều hưởng được rất nhiều lời hứa? “Kính sợ Đức Giê-hô-va” có nghĩa là gì? Có phải đó là sự sợ hãi, kinh khiếp trong ý tưởng của Đức Chúa Trời? Có phải chủ đề về “sự kính sợ Đức Chúa Trời” không còn giá trị nữa vì ngày nay chúng ta là con cái của Ngài? Hơn nữa, có phải 1 Giăng nói rằng quyết không có sự sợ hãi trong tình yêu? Vậy có phải “kính sợ Đức Giê-hô-va” là điều gì đó chỉ dành cho thời Cựu Ước? Mục đích của bài viết này là trả lời tất cả những câu hỏi trên.

1. Kính sợ Đức Giê-hô-va: không phải là sự tôn trọng đơn giản nhưng cũng không phải là sự khiếp sợ

Tùy thuộc vào mỗi bối cảnh, có nhiều người hiểu rằng sự kính sợ Đức Giê-hô-va giống một dạng khiếp sợ, sợ hãi Đức Chúa Trời. Người khác thì lại hiểu như là một sự tôn trọng đơn giản, ví dụ giống như sự tôn trọng họ dành cho đồng nghiệp, hoặc … thậm chí họ không hiểu và cho rằng nó không còn phù hợp cho thời đại ân điển hiện tại. Tôi không nghĩ rằng những quan điểm như vậy là chính xác. Trước hết với sự tôn trọng đơn giản: sự tôn trọng này có thể xảy ra giữa hai thành phần bằng nhau chứ không phải là sự kính trọng dành cho Đấng Tối Cao. Trong một vương quốc thần dân không tôn kính vua theo kiểu họ tôn trọng bạn bè mình. Cho dù nếu người đó dạn dĩ đến trước ngai vua, như chúng ta, qua huyết của Đấng Christ, đến trước ngai Đức Chúa Trời, cho dù nếu người đó là con của vua, như chúng ta bởi đức tin làm con Đức Chúa Trời, thì người đó cũng vẫn là một thần dân trước mặt vua. Nếu nói về các vua, chúng ta hãy dành sự kính trọng sâu sắc nhất cho vị Vua của muôn vua. Nói cách khác, khi chúng ta là con của Vua, điều đó không có nghĩa là bỏ đi sự sợ hãi, dành mọi sự kính trọng sâu sắc cho vị Vua, là Đấng Tối Cao, hoặc là ngược lại chỉ tôn trọng một cách đơn giản, giống như sự tôn trọng dành cho những đồng nghiệp.

Nói cách khác, con trai của vua sẽ không giao tiếp với vua cha như cách của người lạ tiếp cận ông. Một thái tử sẽ gặp vua mà không phải sợ hãi nhưng với sự mạnh dạn và tự tin, biết rằng người mà thái tử gặp là vua cha yêu thương. Cùng lúc đó và như chúng ta đã nói ở trên, thái tử cũng sẽ tiếp cận vua với sự kính trọng sâu sắc, nhận biết anh ta không phải đến gặp đồng nghiệp nhưng là chính Cha mình. Cũng như vậy Cha của chúng ta là Đấng Tối Cao, là Chúa của các chúa và Vua trên muôn vua. Nói cách khác, vì chúng ta là con cái của Vua, sự kính sợ Đức Giê-hô-va không phải là sự khiếp sợ như là sợ hãi. Nhưng cần được hiểu như là sự tôn kính, sâu sắc, như của con cái đối với người Cha yêu thương, mà cũng là Đấng Sáng Tạo muôn loài, là Đấng Tối Cao.

Chúng ta hãy xem một số phân đoạn cho thấy sự oai nghi của Đức Chúa Trời và sự kính sợ Chúa đi kèm. Tôi sử dụng những đoạn Kinh Thánh này dùng để chỉ về sự oai nghiêm và cao cả của Đức Chúa Trời, chứ không muốn nói rằng Cơ Đốc Nhân phải trở nên sợ hãi, kinh khiếp Đức Chúa Trời. Như chúng ta đã nói và sẽ xem trong phần sau, sự kính sợ Đức Chúa Trời không có nghĩa là khiếp sợ. Tôi tin rằng trong thời kỳ của chúng ta, khi Chúa Giê-xu đã bắt nhịp cầu nối liền khoảng cách giữa Đức Chúa Trời và con người, thì sự kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa là đến với Ngài là Cha (bằng sự mạnh dạn và không sợ hãi) và với Ngài là Đấng Tối Cao (bằng sự kính trọng sâu sắc). Chúng ta hãy xem đoạn Kinh Thánh trong Giê-rê-mi 10:6-7:

Giê-rê-mi 10:6-7
“Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức mạnh lớn lắm. Hỡi vua các nước! ai chẳng nên sợ Ngài?

và Khải Huyền 15:4
“Lạy Chúa, ai là kẻ không kính sợ và không ngợi khen danh Ngài?

và Giê-rê-mi 5:22-24
Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi chẳng kính sợ ta, chẳng run rẩy trước mặt ta sao? Ta là Đấng đã lấy cát làm bờ cõi biển, bởi một mạng lịnh đời đời, không vượt qua được. Sóng biển dầu động, cũng không thắng được; biển dầu gầm rống, cũng không qua khỏi nó; nhưng dân nầy thì lại có lòng ngoa ngạnh và bạn nghịch, hết thảy đều dấy loạn và đi. Chúng nó chẳng nói trong lòng rằng: Chúng ta hãy kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình tức là Đấng tùy thời ban cho mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, lại vì chúng ta giữ các tuần lễ nhất định về mùa gặt.”

Thi Thiên 33:6-9
“Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, Cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có. Ngài thâu các nước biển lại thành như đống, Và trữ những nước sâu trong chỗ chứa. Khắp thiên hạ khá kính sợ Đức Giê-hô-va; Các dân thế gian hãy kinh khủng Ngài. Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền.

ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CHÚNG TA VÀ CẢ VŨ TRỤ. MỌI THỨ, THẤY ĐƯỢC HOẶC KHÔNG THẤY ĐƯỢC, ĐỀU DO CHÍNH TAY NGÀI LÀM NÊN. Ngài là Cha và Chúa của chúng ta. Ngài là Đấng Tối Cao. Có tri thức của Kinh Thánh mà không có sự kính sợ, sự kính trọng sâu sắc về sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời thì đó chỉ là tri thức của lý trí dẫn đến sự kiêu ngạo (I Cô-rinh-tô 8:1). Như Châm Ngôn nói rằng:

Châm Ngôn 2:1-5
“Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta, Dành giữ mạng lịnh ta nơi lòng con, Để lắng tai nghe sự khôn ngoan, Và chuyên lòng con về sự thông sáng; Phải nếu con kêu cầu sự phân biện, Và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng, Nếu con tìm nó như tiền bạc, Và kiếm nó như bửu vật ẩn bí, Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, Và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời.

Chỉ khi nào Lời của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, trong tấm lòng của chúng ta thì chúng ta mới có thể hiểu về sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Vì vậy, nếu chúng ta không có sự kính trọng sâu sắc dành cho Đấng Tối Cao, thì tất cả tri thức về Thánh Kinh mà chúng ta có chỉ là tri thức của lý trí, trừ phi chúng ta cất giấu chúng trong tấm lòng, những tri thức đó sẽ không kết quả và cuối cùng dẫn đến sự kiêu ngạo.

2. Sự mạnh dạn và sự kính sợ Đức Giê-hô-va trong Tân Ước

Một quan điểm mà nhiều người âm thầm hay công khai thừa nhận đó là sự kính sợ Đức Chúa Trời đã bị hạ thấp bởi việc làm của Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhưng tôi không nghĩ quan điểm đó là đúng. Sau đây là một số phân đoạn trong Tân Ước nói về sự kính sợ Đức Chúa Trời:

Công Vụ 9:31
“Ấy vậy, Hội-thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường KÍNH SỢ CHÚA, lại nhờ Đức Thánh Linh vùa giúp, thì số của hội được thêm lên.”

I Phi-e-rơ 2:17
“Hãy kính mọi người; yêu anh em; KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI.”

II Cô-rinh-tô 7:1
“Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy SỰ KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta. ”

Cô-lô-se 3:22
“Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì KÍNH SỢ CHÚA, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc.”

Cọt-nây, người dân ngoại đầu tiên được nghe giảng Tin Lành tại nhà riêng mình, là một người kính sợ Đức Chúa Trời. Như Công Vụ 10:1-2 nói rằng:

Công Vụ 10:1-2
“Trong thành Sê-sa-rê, có một người tên là Cọt-nây, làm đội trưởng của đội binh gọi là Y-ta-li. Người vẫn là đạo đức, cùng cả nhà mình đều KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI, người hay bố thí cho dân, và cầu nguyện Đức Chúa Trời luôn không thôi.”

Và như Phi-e-rơ nói trong Công Vụ 10:34-35

Công Vụ 10:34-35
“Phi-e-rơ bèn mở miệng nói rằng: Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai, NHƯNG TRONG CÁC DÂN, HỄ AI KÍNH SỢ NGÀI VÀ LÀM SỰ CÔNG BÌNH, THÌ NẤY ĐƯỢC ĐẸP LÒNG CHÚA”

Như chúng ta thấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va cũng hiện hữu trong thời Tân Ước. Cũng như tôi đã đề cập, theo tôi, có một sự khác biệt lớn giữa Cựu Ước và Tân Ước. Đó là bởi vì liên quan đến thực tế những gì hiện có, đó là công việc của Chúa Giê-xu Christ, một mối liên hệ kiểu khác với Đức Chúa Trời. Mối liên hệ kiểu khác này cần phải được xem xét khi chúng ta cố gắng hiểu ý nghĩa về sự kính sợ Đức Chúa Trời. Sử dụng ví dụ mô tả ở trên, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa dân cư của một vương quốc không phải là người bà con của vua, và dân cư là con cái của quốc vương. Người ngoài và con cái tiếp cận với vua theo cách khác nhau. Có lẽ người ngoài tiếp cận với vua trong sự sợ hãi vì sự uy nghi của người và vì chưa hề có liên hệ gì với vua ngoài cương vị là một thần dân. Nhưng đây không phải là trường hợp của con cái. Con cái tiếp cận với Cha mình với sự mạnh dạn, mà không sợ hãi, như con cái đến với Cha của mình. Đây cũng là cách mà Kinh Thánh khuyên chúng ta nên đến với ngôi của Ngài:

Hê-bơ-rơ 4:14-16
“Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.”

Chúng ta vững lòng đến gần ngôi ơn phước. Đây không phải bởi vì chúng ta nhưng bởi vì Chúa Giê-xu Christ, Đấng nối liền khoảng cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời khiến cho những ai tin Ngài là Con Đức Chúa Trời có thể trở nên con cái của Đức Chúa Trời. (I Giăng 5:1). Cũng như trong I Giăng 4:17-19 nói rằng:

“Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước.”

Nếu chúng ta yêu Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không sợ hãi Ngài vì sự sợ hãi và tình yêu không thể đi cùng với nhau. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta tôn kính Chúa ở mức như chúng ta tôn trọng anh em mình, bằng sự tôn trọng đơn giản và không nhận biết sự cao trọng của người mà chúng ta đang đến gần. Nhưng cũng không phải là sự kinh khủng hoặc sợ hãi Ngài. Thay vào đó, chúng ta có thể định nghĩa: kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa là đến với Ngài như là một người Cha (với sự mạnh dạn mà không sợ hãi) và như là một Đấng Tối Cao (với sự kính trọng sâu sắc).

3. Kính sợ Đức Chúa Trời: làm theo ý muốn của Ngài

Bước kế tiếp, tôi không thấy người nào có thể bước đi trong ý muốn của Chúa nếu người đó không có sự kính sợ Đức Chúa Trời và làm thế nào một người kính sợ Đức Chúa Trời nếu người đó không làm theo ý muốn Chúa. Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa là làm theo ý muốn của Ngài. Có nghĩa là bước đi bởi đức tin dựa trên những gì Chúa bảo chúng ta cho dù chúng ta không hiểu mọi việc đang diễn ra như thế nào và chưa thấy bức tranh toàn cảnh. Những ai kính sợ Đức Chúa Trời sẽ làm theo ý muốn Ngài. Tất cả những gì Cha đã bảo đều có giá trị lớn lao và không có sự thương lượng vì điều đó ra từ chính miệng của Cha. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, sự tôn kính sâu sắc dành cho Chúa và ý muốn Ngài, vâng lời Ngài và làm theo ý muốn Ngài đi liền với nhau. Thử tưởng tượng xem con cái không vâng lời. Bạn sẽ nói xem mấy cháu có tôn trọng Cha mình? Có lẽ chúng sẽ đến với Cha mình để được vật chất gì đó nhưng chúng không thật sự yêu mến và tôn trọng người. Nếu họ yêu Cha mình, họ sẽ giữ lời cha dạy trong lòng và làm theo điều đó. Buồn thay có nhiều Cơ Đốc Nhân cũng giống như vậy: họ chỉ đến với Đức Chúa Trời chỉ khi nào họ túng quẩn và thời gian còn lại họ sống y như những người thế gian. Điều này dứt khoát phải thay đổi. Thay vì đến với Đức Chúa Trời theo cách này, chúng ta nên phát triển mối tương giao sâu đậm hơn, trước hết tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự Công Bình của Ngài, và mọi điều khác sẽ được ban cho chúng ta (Ma-thi-ơ 6:33). Như Phi-líp 2:5-11 nói về Chúa Giê-xu Christ là gương cho chúng ta:

Phi-líp 2:5-11
Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. ”

Hãy để tâm tình đó ở trong chúng ta như Kinh Thánh nói, đó là tâm tình của Chúa Giê-xu Christ. Tâm tình đó là gì? Đó là tâm tình của sự vâng phục, thậm chí cho đến chết. Đó là tâm tình của “không phải ý con nhưng ý Cha được nên” (Lu-ca 22:42).

Điều tôi muốn nói ở trên đó là chúng ta không thể thật sự nói rằng mình kính sợ Chúa nếu chúng ta không làm theo ý muốn Ngài. Thật sự điều này cũng giống với tình yêu dành cho Chúa. Như Ngài phán:

Giăng 14:23-24
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta; và lời các ngươi nghe đó, chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Cha, là Đấng đã sai ta đến.”

Chúng ta không thể nói mình yêu Chúa nếu chúng ta không làm theo điều Ngài dạy. Cũng giống như vậy, tôi tin rằng chúng ta không thể nói chúng ta kính sợ Chúa nếu chúng ta không làm theo điều chúng ta biết đó là ý muốn của Đức Chúa Trời.

Vì vậy để kết luận phần này, sự kính sợ Đức Giê-hô-va có nghĩa là sự vâng phục Chúa. Có nghĩa là yêu kính Ngài và làm theo ý muốn của Ngài dù thế nào. Có nghĩa trong một cụm từ: giữ chặt Chúa và ý muốn của Ngài hết sức có thể.

4. Kết luận

Chúng tôi bắt đầu tạp chí này mong ước bày tỏ nguồn phước hạnh về sự kính sợ Chúa là thể nào. Thật sự rất khó để tìm một chủ đề nào trong Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời hứa như: sống lâu, thịnh vượng, giải cứu và nhiều lời hứa khác kèm theo cho những ai kính sợ Đức Giê-hô-va.

Chúng tôi cố gắng định nghĩa sự kính sợ Đức Giê-hô-va một cách rõ ràng đó là không phải sự tôn trọng đơn giản, như tôn trọng dành cho bạn bè, cũng không phải là sự sợ hãi Đức Chúa Trời hoặc là kinh khiếp Ngài. Ngược lại, sự kính sợ Chúa là sự tôn kính sâu sắc bởi vì đó là Cha, LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI, LÀ CHÚA, LÀ ĐẤNG SÁNG TẠO MUÔN VẬT

Cuối cùng chúng tôi muốn giải thích rõ ràng đó là không có sự kính sợ Đức Chúa Trời nào mà không làm theo ý muốn Ngài. Nói cách khác, hễ ai kính sợ Chúa thì làm theo ý muốn Ngài và hễ ai không kính sợ Ngài, nhưng muốn thỏa mãn xác thịt mình, thì sẽ không làm theo ý Chúa hoặc chỉ làm khi nào người đó muốn, tùy theo hoàn cảnh.

Để kết thúc, chúng ta hãy cẩn thận nghe sự hướng dẫn từ Truyền-đạo:

Truyền-đạo 12:13-14
“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.

Anastasios Kioulachoglou