Lời sự Sống

Lời của Đức Chúa Trời là: (PDF) PDF



Lời của Đức Chúa Trời là:



2 Timôthê 3:16-17 là phân đoạn quan trọng nền tảng cho sự hiểu biết về đặc điểm và ích lợi của Kinh Thánh. Tại đây nói rằng:

2 Timôthê 3:16-17
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”

Trong đoạn văn này tôi có nhấn mạnh đến từ “là” được sử dụng tại đây và như chúng ta đã biết, từ này được sử dụng để nói đến đặc điểm, nét đặc trưng hoặc mô tả điều gì đó. Như vậy, theo đoạn văn ở trên, Kinh Thánh hay là Lời Thánh được Đức Chúa Trời thần hựu, như trong bản Hy-lạp đọc là Đức Chúa Trời hà hơi.1 Điều này có nghĩa rằng tác giả của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời, Đấng hà hơi và sáng tác Kinh Thánh. Vì vậy Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, phân đoạn ở trên cũng nói cho chúng ta biết rằng Kinh Thánh thật ích lợi, với bốn lý do như sau. Theo sự phân tích, câu này nói rằng Kinh Thánh có ích lợi cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa phạt và dạy người trong sự công bình. Vì bài viết này có tựa đề “Lời của Đức Chúa Trời là,” cho nên chúng ta có điều gì đó liên quan đến Lời là gì. Điều thứ nhất nói đến đặc điểm của lời Thần Hựu, điều thứ hai nói đến ich lợi của Lời theo phương diện tín lý, bẻ trách, sửa trị và dạy người trong sự công bình, “hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (2 Timôthê 3:17).

Tuy nhiên, đây không phải chỉ là những đặc điểm về Lời của Đức Chúa Trời. Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét những điều khác mà qua đó thật sự giúp chúng ta hiểu rõ giá trị và ích lợi của Kinh Thánh một cách tốt hơn.

1. Lời của Đức Chúa Trời: những gì Đức Chúa Trời tán dương nhất

Tôi tin rằng không có cách nào tốt hơn khi nghiên cứu chủ đề này bằng cách lắng nghe quan điểm của Đức Chúa Trời về chính Lời của Ngài. Xem quan điểm này chúng ta cần đọc trong Thi Thiên 138:2.

Thi Thiên 138:2
“Tôi sẽ thờ lạy hướng về đền thánh của Chúa, Cảm tạ danh Chúa vì sự nhân từ và sự chân thật của Chúa; Vì Chúa đã làm cho lời Chúa được tôn cao Hơn cả danh thánh Chúa.”

Theo đoạn Kinh Thánh này, Đức Chúa Trời đã tôn vinh Lời của Ngài thậm chí hơn cả danh của Ngài. Hãy nhớ rằng, không có gì cao cả hơn Đức Chúa Trời, qua đó danh của Ngài bày tỏ, chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng những gì Đức Chúa Trời muốn nói cho chúng ta ở đây đó là Ngài đã tôn cao chính Lời của mình trên hết mọi thứ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có một đánh giá đúng về Lời của Đức Chúa Trời, đây là một nhận định của Đức Chúa Trời về Lời của Ngài: vì đối với Ngài, không có gì giá trị hơn là chính Lời của Chúa.

2. Lời của Đức Chúa Trời: lương thực cho đời sống

Chúng ta đã thấy vị trí hàng đầu mà Đức Chúa Trời đã dành cho Lời Ngài, tiếp theo chúng ta sẽ thấy những điều khác về Lời này, bắt đầu từ Ma-thi-ơ. Tại đây Chúa Giê-xu Christ phán rằng:

Mathiơ 4:4
Có lời chép rằng: “NGƯỜI TA SỐNG CHẲNG PHẢI CHỈ NHỜ BÁNH MÀ THÔI…

Nhiều người nghĩ rằng bánh và lương thực cho cơ thể là những thứ duy nhất họ cần để sống. Mặc dầu lương thực đúng là thứ cần để sống và để thỏa mãn cơn đói vật lý, tuy nhiên, theo Chúa Giê-xu Christ, có những thứ khác cũng cần cho đời sống của chúng ta hơn là chỉ cần để tồn tại. Đó là gì? Câu trả lời được tìm thấy trong cùng một câu:

Mathiơ 4:4
“Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”

Theo đoạn Kinh Thánh này, để khiến cuộc đời của bạn là một cuộc đời thật sự sung mãn và không chỉ là tồn tại, bạn cần “từng lời phát xuất từ miệng của Đức Chúa Trời,” đó chính là Lời của Đức Chúa Trời. Như 1 Phierơ 2:2 nói rằng:

1 Phierơ 2:2
“thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn,”

Những trẻ con mới sinh ra không thể sống thiếu sữa. Chúng thức dậy và khóc vì chúng cần sữa. Cũng như trẻ con mới sinh ra không thể sống mà không có sữa thì đời sống của chúng ta cũng không thể sống mà không có sữa là Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải quyết định chúng ta cần sữa là Lời Đức Chúa Trời hay không. Thực tế đó là chúng ta cần Lời của Ngài. Như thân thể cần ăn để sống, thì cũng vậy, một thực tế không thay đổi đó là để sống chúng ta cần phải có Lời của Đức Chúa Trời.

3. Lời Đức Chúa Trời: lẽ thật

Sau khi chúng ta thấy Lời của Đức Chúa Trời thật sự cần thiết cho đời sống của chúng ta như sữa cho con trẻ, chúng ta sẽ thấy nhiều điều khác nữa về Lời của Chúa. Những gì chúng ta sẽ đọc tiếp theo liên quan đến cuộc chất vấn Chúa Giê-xu bởi Philát (Giăng 18:33-38). Trong suốt cuộc chất vấn Philát đã hỏi một câu hỏi mà rất nhiều người đã từng hỏi. Câu hỏi đó liên quan đến câu trả lời mà Chúa Giê-xu đã trả lời đó là Ngài đến trong thế gian để làm chứng về lẽ thật (Giăng 18:37), và có thể được tìm thấy trong Giăng 18:38:

Giăng 18:38
Phi-lát hỏi [Chúa Giê-xu] rằng: Lẽ thật là cái gì?

Câu hỏi của Philát không phải là bất thường. Nhiều người và thực tế là nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi chung câu hỏi đó trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình. Vì vậy, điều quan trọng đó là tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Câu trả lời được tìm thấy trong Giăng 17. Tại đây, Chúa Giê-xu Christ, trước khi Ngài bị bắt đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thưa rằng:

Giăng 17:14, 17
“Con đã truyền lời Cha cho họ [các môn đồ] ……, Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.

Câu trả lời cho câu hỏi về lẽ thật rất đơn giản và trực tiếp: LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ LẼ THẬT. Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời chân thật, là lẽ thật mà chúng ta có thể dựa vào để sống mà không phải sợ hãi rằng chúng ta sẽ bị bỏ rơi. Chính Lời này đã nói về Chúa Giê-xu Christ, “là đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14:6) và điều tuyệt vời đó là Ngài đã hoàn thành mọi sự cho chúng ta. Chính Lời này nói rằng nếu bạn xưng nhận Chúa Giê-xu Christ và tin cậy trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì bạn sẽ được cứu (Rôma 10:9). Đây không chỉ là một lời khích lệ. Đây không phải là một lời thuyết giáo. Đây là SỰ THẬT. Nếu bạn vâng theo bạn chắc chắn sẽ được cứu và nếu bạn không làm theo bạn sẽ không được cứu. Sự thật là sự thật. Bạn không thể thay đổi nó. Nó không bị biến đổi. Bạn có thể chấp nhận hoặc khước từ nó.

Ngược lại, sự giả dối có hàng ngàn khuôn mặt. Hàng ngàn ý tưởng, triết lý và tôn giáo đang tìm cách có chỗ đứng trong tâm trí của chúng ta. Một đời người có thể đủ để chứng kiến sự sinh ra và qua đời của biết bao nhiêu người. Con người luôn liên tục cập nhật triết lý và tư tưởng để khiến họ theo kịp thời đại. Có phải họ có lẽ thật rồi mà không cần phải cập nhật không? Sự thật là sự thật cho ngày hôm nay, ngày mai và một ngàn năm sau hoặc một triệu năm sau. Và chỉ có LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, là lẽ thật tồn tại đến muôn đời. Như 1 Phierơ 1:23 nói rằng:

“anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, LÀ BỞI LỜI HẰNG SỐNG VÀ BỀN VỮNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

Cũng như: 1 Phierơ 1:25
“NHƯNG LỜI CHÚA CÒN LẠI ĐỜI ĐỜI. Và lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em.”

Lời của Đức Chúa Trời còn lại đời đời. Lời đó không cần phải cập nhật. Đức Chúa Trời, Đấng đã phán lời Ngài hai ngàn năm trước đây, cũng vẫn là Đức Chúa Trời ngày nay. Như Gia cơ 1:17 nói rằng:

Gia cơ 1:17
“Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, TRONG NGÀI CHẲNG CÓ MỘT SỰ THAY ĐỔI, CŨNG CHẲNG CÓ BÓNG CỦA SỰ BIẾN CẢI NÀO.”

Đôi khi, chỉ một vài phút thôi cũng đủ để con người thay đổi suy nghĩ. “Nhanh mua chóng đổi” là chuyện thường tình của con người. Nhưng với Đức Chúa Trời, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, và cũng chẳng có một chút bóng dáng nào của sự biến cải. Lời của Đức Chúa Trời là lẽ thật và được đảm bảo bởi một Đức Chúa Trời không hề thay đổi là nền tảng chắc chắn nhất cho cuộc đời của chúng ta, và chỉ bởi Lời này mà chúng ta có thể nương tựa mà không hề sợ bị bỏ rơi.

4. Lời của Đức Chúa Trời: một Lời tinh sạch

Một trong những đặc tính của lẽ thật theo định nghĩa đó là sự tinh sạch. Câu hỏi ở đây đó là Lời của Đức Chúa Trời có tinh sạch không và nếu có thì tinh sạch như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta xem trong sách Thi Thiên.

Thi Thiên 12:6
“Các lời Đức Giê-hô-va là LỜI TRONG SẠCH, DƯỜNG NHƯ BẠC ĐÃ THÉT TRONG NỒI DÓT BẰNG GỐM, LUYỆN ĐẾN BẢY LẦN.”

Thi Thiên 119:140
“LỜI CHÚA RẤT LÀ TINH SẠCH, Nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy.”

Lời Chúa không phải là lời có tạp chất. Nó không phải là lời mà bạn phải xin lỗi vì “sai lầm”, hoặc cũng không phải là lời cần được tinh lọc trước khi sử dụng. Thay vào đó, nó là một từ tinh sạch và rất tinh khiết “như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần,” có nghĩa là không thể nào tinh khiết hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu mến nó (“nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy”). Độ tinh sạch, độ hoàn hảo và độ chính xác của nó thực sự phản ánh sự tinh sạch, sự hoàn hảo và sự chính xác của tác giả: Đức Chúa Trời.

5. Lời của Đức Chúa Trời: nguồn gốc của niềm vui

Chúng ta đã thấy một số điều về Lời Chúa. Tuy nhiên, những đặc điểm đó không dừng lại ở đây. Trong Thi Thiên 119, chúng ta học về một hiệu ứng khác về Lời của Ngài đó là:

Thi Thiên 119:162
Tôi vui vẻ về lời Chúa, Khác nào kẻ tìm được mồi lớn [kho báu lớn].

Cũng như: Thi Thiên 119:14
“Tôi vui mừng về đường chứng cớ Chúa, Như thể vui mừng về của cải hiếm hiệm”

Nhiều người nỗ lực tìm kiếm niềm vui qua việc sở hữu nhiều tiền của. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bạn không thể sống chỉ nhờ bánh mà thôi, và tiền bạc càng không phải và không thể mua những nguyên liệu có thể đem lại cho bạn cuộc đời ý nghĩa và niềm vui. Thành phần này là gì? Đó là Lời của Đức Chúa Trời. Ngoài những điều mà chúng ta vừa thấy, Lời Chúa còn mang lại niềm vui lớn lao. Trong thực tế, lời đó mang lại rất nhiều niềm vui như niềm hân hoan của “một người tìm được kho báu.” Bạn không cần phải trúng số mới thấy vui. Những gì bạn cần đó là đến với Lời Chúa, học hỏi, tin cậy và gìn giữ Lời đó trong lòng. Mỗi lần bạn làm như vậy niềm vui sẽ ngập tràn như niềm hân hoan của người tìm được châu báu. Đây không phải là điều tuyệt vời hay sao khi chúng ta có nguồn vui bất tận! Đây không phải là niềm vui phụ thuộc vào những điều kiện, “may mắn” hoặc những điều gì khác nhưng phụ thuộc vào Đức Chúa Trời và Lời tuyệt vời của Ngài, đó là Kinh Thánh.

6. Lời của Đức Chúa Trời: ngọn đèn cho chân chúng ta

Một điều nữa về Lời Chúa được ghi lại trong Thi Thiên 119:105 và 2 Phierơ 1:19, nói rằng:

Thi Thiên 119:105
“Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.”

Cũng như trong 2 Phierơ 1:19
“Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri2 chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em.”

Để bước đi bạn cần phải có ánh sáng. Dù ánh sáng đó là vật lý hay là nhân tạo, một thực tế đó là nếu không có ánh sáng bạn không thể bước đi. Con đường của cuộc sống cũng không phải là ngoại lệ với quy tắc này. Để bước đi trên con đường này bạn cần ánh sáng chiếu rọi. Bạn sẽ tìm ánh sáng này ở đâu? Theo các phân đoạn trên, câu trả lời đó là Lời Chúa. Bằng cách làm theo Lời của Đức Chúa Trời, bạn sẽ như bước đi trên con đường đầy ánh sáng. Như Thi Thiên 84:11 và 1 Giăng 1:5 nói rằng:

Thi Thiên 84:11
“Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời…”

1 Giăng 1:5
“Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.”

Đức Chúa Trời giống như một mặt trời3. Vì vậy, làm theo Lời Chúa như bước trên con đường đầy ánh sáng mà tác giả nguồn sáng đó chính là Đức Chúa Trời.

7. Nếu Lời Chúa không phải là điều chúng ta ưa thích......

Có lẽ bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của điều gì đó khi bạn nhận biết điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không có nó. Ở phần trên chúng ta thấy một số điều về Lời của Đức Chúa Trời và vì vậy qua đó chúng ta có thể hiểu dễ dàng về những gì chúng ta mất nếu chúng ta không có lời của Ngài. Tuy nhiên, trong Thi Thên, có một phân đoạn không đề cập đến ích lợi của Lời Chúa nhưng theo hướng ngược lại, đó là điều gì sẽ xảy ra nếu Lời Chúa không phải là điều chúng ta ưa thích. Thi Thiên 119:77, qua sự mặc khải Đavít nói rằng:

Thi Thiên 119:77
“Vì luật pháp Chúa là điều tôi ưa thích”

Đối với Đavít, Lời Chúa (trong thời Đavít, Lời Chúa là luật pháp Môise) là điều ông ưa thích. Để xem điều gì sẽ xảy ra nếu Lời Chúa không phải là điều mà ông ưa thích, trong mười lăm câu tiếp theo câu 92 nói rằng:

Thi Thiên 119:92
“ Nếu luật pháp Chúa không làm sự tôi ưa thích, Ắt tôi đã bị diệt vong trong cơn hoạn nạn”

Đôi khi những giai đoạn khó khăn và khốn cùng có thể tạm thời xảy đến (2 Cô-rinhtô 3:17 va 1 Phierơ 1:6). Nhưng điều này không có nghĩa là trong những lúc như vậy, Lời của Đức Chúa Trời không còn là nguồn vui, là ngọn đèn cho chân chúng ta, và là lương thực cho đời sống. Không có hoàn cảnh hoặc tình huống nào có thể làm cho Lời Chúa bị lu mờ hoặc bị giảm giá trị. Đức Chúa Trời vẫn là Đức Chúa Trời đầy quyền năng và tình yêu trong thuận cảnh hay nghịch cảnh. Lời của Ngài vẫn là Lời đáng tin cậy trong thuận cảnh hay nghịch cảnh. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn thận trọng để tiếp tục gìn giữ ngọn lửa của Lời Chúa luôn cháy trong tâm hồn. Sự buồn bã, áp lực hay áp bức có thể xảy đến nhưng chúng không thể chiếm lấy chúng ta miễn khi Lời Chúa vẫn là điều ưa thích của chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín và Ngài luôn luôn khiến chúng ta chiến thắng khi khi chúng ta tin cậy nơi Ngài (Rôma 8:37).

8. Nếu chúng ta suy gẫm Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ …

Như chúng ta đã thấy một số điều về Lời của Đức Chúa Trời, Lời Ngài đem lại nhiều điều ích lợi đến nỗi chúng ta phải học hỏi và gìn giữ Lời đó trong tấm lòng. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng nhau xem một số kết quả khác nói về Lời này nếu chúng ta suy gẫm, hoặc nếu chúng ta đặt Lời đó làm trọng tâm trong suy nghĩ và trong tâm trí mình.

8.1. Được Phước và giống như cây trồng gần dòng nước

Hãy xem Lời Chúa hứa về người nào đặt Lời Ngài làm trọng tâm trong tâm trí mình, hãy cùng đọc trong Thi Thiên 1:1-3:

Thi Thiên 1:1-3
Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; SONG LẤY LÀM VUI VẺ VỀ LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC GIÊ HÔ VA VÀ SUY GẪM LUẬT PHÁP ẤY NGÀY VÀ ĐÊM. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.

Có người nào trong chúng ta không muốn được thịnh vượng? Tôi không nghĩ là có. Tuy nhiên, làm thế nào để có được điều này? Theo phân đoạn trên, cách thức đó là suy gẫm Lời của Chúa. Nếu chúng ta “lấy lòng ngay thẳng giảng dạy Lời của Lẽ Thật” (2 Timôthê 2:15) và đặt Lời Chúa làm trọng tâm trong đời sống, thì những gì chúng ta làm sẽ làm vui lòng Đức Chúa Trời, vì những điều đó xuất phát từ suy nghĩ của Lời Chúa và vì vậy, theo phân đoạn trên, những điều chúng ta làm sẽ thịnh vượng. Chúng ta cũng sẽ được “phước” (“hạnh phúc”) và như cây kết nhiều quả trồng gần dòng nước.

8.2. Thịnh Vượng và Khôn Ngoan

Ảnh hưởng của việc suy gẫm Lời của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ ràng hơn trong sách Giô-suê. Giô-suê là người kế vị của Môise trong vai trò lãnh đạo dân sự Ysơraên khi họ đang trên đường đến Đất Hứa. Biết rằng chính ông là người sẽ dẫn dân Ysơraên vào Đất Hứa, và những câu chuyện ghi chép lại cho thấy họ không phải là dân dễ dẫn dắt, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng Giôsuê phải cần có nhiều sự khôn ngoan là dường nào để hoàn thành trách nhiệm nặng nề trên. Điều thú vị ở đây đó là xem Đức Chúa Trời đã dạy bảo Giôsuê điều gì để ông có sự thông sáng này. Chúng ta hãy xem trong Giô-suê 1:5-8. Tại đây, Đức Chúa Trời phán dạy Giôsuê:

Giôsuê 1:5-8
“Trót đời ngươi sống, thì chẳng sẽ ai được chống cự trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu. Hãy vững lòng bền chí, vì ngươi sẽ dẫn dân này đi nhận lấy xứ mà ta đã thề cùng tổ phụ ban cho chúng nó. Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh vượng. Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, HẦU CHO CẨN THẬN LÀM THEO MỌI ĐIỀU ĐÃ CHÉP Ở TRONG; VÌ NHƯ VẬY NGƯƠI MỚI ĐƯỢC MAY MẮN TRONG CON ĐƯỜNG MÌNH VÀ MỚI ĐƯỢC PHƯỚC.” [Tiếng Hêbơrơ: chữ "sakal" có nghĩa là thận trọng, khôn ngoan, có sự thông biết, thông minh, thịnh vượng. Xem số 7919 trong từ điển Phù Dẫn Strong’s Concordance. Bản LXX đọc là “và con sẽ trở nên khôn ngoan.”4]

Hãy xem Đức Chúa Trời đã khích lệ Giôsuê tuyệt vời thể nào. Đức Chúa Trời không phải là ai đó xa lạ đến nỗi không biết chúng ta cần sự khích lệ và yên ủi. Thay vào đó, Ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương chăm sóc. Hãy xem những gì Ngài phán dạy Giôsuê. Ngài nói rằng để luôn luôn (“bất cứ nơi nào con đi”) thịnh vượng Giôsuê phải can đảm vâng giữ theo tất cả những sự dạy dỗ trong Luật Pháp Môise (đây là Lời Chúa lúc bấy giờ). Trong thực tế, Ngài bảo ông phải cẩn thận và không quay lưng với những gì luật pháp dạy. Hơn nữa, Ngài dạy rằng nếu ông chăm chú suy gẫm Lời Chúa ngày và đêm, và chỉ nếu khi Lời Chúa liên tục là trọng tâm trong tâm trí ông, ông sẽ phát triển thịnh vượng và sẽ hành động khôn ngoan. Vì vậy, NHỮNG ĐIỀU NÀY, như bản văn cho thấy sự thịnh vượng và sự khôn ngoan phụ thuộc vào vị trí Lời Chúa trong tấm lòng của ông. Thật đúng như vậy nếu Lời của Đức Chúa Trời là trung tâm của suy nghĩ và hành động của chúng ta, chúng ta sẽ phát triển hưng thịnh và thận trọng khôn ngoan. Người đọc có thể khẳng định qua phần còn lại của sách, Giôsuê thật sự là một con người đã làm theo và phục sự Đức Chúa Trời trọn cả cuộc đời và ông thật sự đã thịnh vượng và khôn khéo trong mọi công việc của mình.

9. Kết Luận

Sau khi hoàn thành bài nghiên cứu này, phải nói rằng chúng ta không thể nào xem xét vấn đề ở mọi khía cạnh một cách thấu đáo. Người đọc nên tiếp tục nghiên cứu Lời của Đức Chúa Trời và tìm kiếm cho riêng mình những điều quý báu khác. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta đã thấy rất nhiều điều ích lợi khiến chúng ta ngày càng trân trọng Lời Chúa hơn. Để tóm lại những gì chúng ta thấy về Lời Chúa, thì Kinh Thánh là:

i) lẽ thật,

ii) những gì Đức Chúa Trời tán dương nhất,

iii) lương thực cho đời sống,

iv) sữa để phát triển,

v) nguồn vui,

vi) ngọn đèn cho chân chúng ta,

vii) có ích lợi cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị và dạy người trong sự công bình,

viii) rất tinh sạch,

ix) điều mà nếu chúng ta ưa thích thì chúng ta sẽ không bị hoàn cảnh khó khăn chiếm ngự,

x) điều mà nếu chúng ta suy gẫm, chúng ta sẽ:

a) được phước, b) giống như cây trồng gần dòng nước c) thịnh vượng trong mọi việc chúng ta làm, và d) khôn sáng.

Dù bản liệt kê này không thể kể hết, nhưng tôi tin cũng đủ để cho chúng ta thấy sự vĩ đại, tầm quan trọng và giá trị của Lời Đức Chúa Trời. Nó cũng đủ để làm sáng tỏ những sự ích lợi tuyệt vời mà Lời Chúa sẽ đem đến nếu chúng ta học hỏi, đặt để trong tấm lòng và gìn giữ nó luôn sống động.

Anastasios Kioulachoglou

 



Chú Thích

1. Một khảo cứu chi tiết hơn về 2 Timôthê 3:16, xem bài viết 2 Timôthê 3:16-17: Ích Lợi của Kinh Thánh.

2. Lời “các đấng tiên tri” là Lời của Đức Chúa Trời. Giải thích về chủ đề này xin tham khảo bài viết: Ai là tác giả và ai đã viết Kinh Thánh?

3. Tuy nhiên, dù ở dưới mặt trời vẫn còn nhiều chỗ tối trên bề mặt, nhưng trong Đức Chúa Trời chẳng có một sự tối tăm nào.

4. Xem: The Septuagint Version of the Old Testament with an English translation, Samuel Bagster and Sons, London, 1879.